Ngăn chặn nạn xâm phạm quyền riêng tư của công dân

“Không biết ai đã cung cấp mà thời gian gần đây nhiều công ty biết thông tin cá nhân của tôi, gọi điện chào mời mua đất, bảo hiểm nhân thọ, cho vay vốn, góp vốn đầu tư… Họ biết rành rọt họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc… mặc dù tôi chưa hề giao dịch với những công ty này”, ông N.P.T ở TX Đông Hòa bức xúc.

Tương tự, bà T.T.H ở TP Tuy Hòa đã trở thành nạn nhân của việc mất tiền sau khi làm theo hướng dẫn từ số điện thoại 081413… nạp tiền vào một tài khoản ngân hàng để đặt cọc mua mỹ phẩm. Dù số tiền đặt cọc chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng sau sự việc này bà H bức xúc không hiểu vì sao số điện thoại của bà bị người khác biết rõ và liên hệ chào mời mua hàng, rồi lừa đảo.

Qua hai sự việc nêu trên cho thấy vấn nạn lộ lọt, thu thập trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân không phải là hiếm, gây bức xúc trong xã hội. Thông tin cá nhân đã trở thành món hàng để các đối tượng xấu trao đổi một cách công khai, trắng trợn. Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán dữ liệu cá nhân, sim rác, tạo tài khoản ngân hàng số lượng lớn, với nhiều đối tượng tham gia, số tiền thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. Việc mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, trong đó có việc nhiều người không chú ý bảo mật thông tin của mình, dễ dàng cung cấp cho người khác khi mua hàng hoặc trong các hoạt động kinh doanh. Một số công ty, tổ chức thu thập, xử lý thông tin không đảm bảo an ninh mạng, hacker có thể xâm nhập cơ sở dữ liệu và đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng. Máy tính, điện thoại của người dùng bị nhiễm mã độc, từ đó mã độc thu thập, lấy cắp thông tin gửi ra ngoài... Hậu quả là nhiều người bị kẻ xấu thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghiêm cấm việc mua bán dữ liệu này dưới mọi hình thức, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc lợi dụng bảo vệ dữ liệu cá nhân để phạm pháp.

Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Bộ Công an soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và cá nhân; dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới. Dự thảo luật gồm 7 chương và 68 điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển KT-XH đất nước.

Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người dân, bởi họ nhận thức rằng bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp bách, liên quan đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

Bên cạnh Nhà nước đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, thì mỗi người dân và doanh nghiệp cũng phải nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp, bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình giao dịch, làm ăn với đối tác. Doanh nghiệp cần rà soát, đổi mật khẩu mạnh cho các tài khoản nội bộ bị lộ lọt, bị rao bán đã được cảnh báo nhằm tránh nguy cơ bị tấn công, xâm nhập trái phép. Có như vậy thì mới ngăn chặn triệt để các hành vi xâm phạm quyền riêng tư, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mọi công dân.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321452/ngan-chan-nan-xam-pham-quyen-rieng-tu-cua-cong-dan.html