Ngăn chặn thực phẩm bẩn: Cần biện pháp mạnh hơn

Thực phẩm bẩn và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tồn tại thường trực trong cuộc sống khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng như gây ra các bệnh tiềm ẩn liên quan đến thực phẩm. Vụ ngộ độc thực phẩm ở Trường Ischool Nha Trang (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) mới đây khiến nhiều học sinh phải nhập viện cấp cứu, trong đó 1 học sinh tử vong do thịt gà bẩn là một ví dụ điển hình.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch)

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch)

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn ra thị trường; nhất là xử phạt nghiêm minh với những cá nhân, tổ chức kinh doanh, vận chuyển, lưu trữ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Lo lắng vì thực phẩm bẩn

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đồng Nai, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện những cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, đặc biệt là những vụ bắt giữ hàng tấn thực phẩm bẩn… khiến người tiêu dùng lo lắng.

Nếu vi phạm nghiêm trọng, người có hành vi làm thực phẩm bẩn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015, bị phạt tù từ 1-5 năm. Thậm chí phạt tù từ 12-20 năm theo Khoản 4, Điều 317 của bộ luật này.

Vụ cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 2,2 tấn gà chết bốc mùi hôi thối ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) của bà Trần Thị Ngọc Thương ngày 16-11 được thông tin trên Báo Đồng Nai mới đây khiến BĐ bức xúc, khi chủ hàng trên khai mua số gà chết, gà bệnh chỉ với giá 4 ngàn đồng/kg rồi về xử lý, sau đó đem đi tiêu thụ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

BĐ Trần Thị Mai Hoa (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu số thịt gà bẩn này không bị phát hiện? Vì lợi nhuận mà người này bất chấp đến nguy cơ ngộ độc và sức khỏe người dân, đúng là không có lương tâm”.

Trước đó, nhiều BĐ cũng tỏ ra bức xúc khi đọc thông tin vào tháng 5-2022, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) bất ngờ kiểm tra hộ ông Nguyễn Mạnh Thảo (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) và phát hiện hộ này đang xử lý hơn 1 tấn thịt heo đã bốc mùi hôi thối trên nền xi măng cáu bẩn. Theo lời khai của ông Thảo, số thịt nói trên của 100 con heo bệnh, heo chết được ông mua rẻ từ một số hộ dân trong xã. Sau khi xử lý, số thịt heo này sẽ được chia nhỏ, bỏ mối cho các quán cơm, cơ sở nấu suất ăn cho công nhân và đưa ra các chợ trên địa bàn H.Trảng Bom và lân cận để bán.

Lời khai của ông Thảo đã khiến nhiều công nhân... “choáng”. BĐ Nguyễn Thụy Khánh Loan, công nhân Công ty CP V.S.Y. ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) bức xúc: “Đời sống công nhân khó khăn và thời gian có hạn nên chúng tôi thường phải mua nhanh thực phẩm ở những chợ công nhân tự phát. Vì đồng lương hạn hẹp nên nhiều công nhân phải mua thực phẩm giá rẻ để ăn, nhưng không ngờ đây chỉ là thịt bẩn được xử lý lại. Nếu cơ quan chức năng không ngăn chặn được, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn công nhân ăn phải và sức khỏe ít nhiều đều bị ảnh hưởng”.

Nhiều BĐ lo lắng, không biết còn bao vụ thực phẩm bẩn, giả, không rõ nguồn gốc… chưa bị phát hiện và ngăn chặn, vẫn đang âm thầm len lỏi vào thị trường và đi vào bữa ăn của biết bao người, gây ra nhiều hệ lụy.

Tăng kiểm tra, xử phạt mạnh

Ăn uống là nhu cầu hàng ngày của mỗi con người. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chính vì ngày nào cũng phải sử dụng thực phẩm trong khi thực phẩm bẩn lại tràn lan, người tiêu dùng lại khó nhận biết thì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, nhiều BĐ cho rằng, quan trọng là cơ quan chức năng phải phát hiện sớm để ngăn chặn trước khi thực phẩm bẩn được “tung” ra thị trường.

Theo Khoản 1, Điều 23, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức phạt tiền tối đa các lỗi vi phạm về VSATTP 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

BĐ Trần Thị Quảng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, bây giờ đi chợ bà rất ngại mua những loại thực phẩm đã được tẩm ướp, sơ chế hoặc chế biến sẵn vì không biết thực chất nó thế nào. Ngay cả khi cuối tuần cả nhà đi ăn tiệm để thay đổi không khí, bà cũng rất lo khi biết nhiều vụ thịt bẩn được đưa vào những nhà hàng, quán ăn và tại đây được tẩm ướp thơm lừng.

Bà Quảng cho hay: “Qua báo chí tôi được biết thực phẩm bẩn gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người. Nhẹ thì tiêu chảy; nặng thì ra các bệnh mạn tính, nguy cơ dẫn đến ung thư... Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải ráo riết kiểm tra và ngăn chặn để những loại thực phẩm không có cơ hội “tuồn” ra thị trường”.

Còn BĐ Vũ Tiến Khanh (ngụ P.Tân Mai, TP. Biên Hòa), một giáo viên về hưu cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần xem lại vì sao thực phẩm bẩn, giả, không an toàn dù bị bắt rất nhiều, nhưng vẫn còn… “đất sống”. Đó là do thiếu kiểm tra, kiểm soát thường xuyên; chưa xử phạt nghiêm minh; mức phạt chưa đủ sức răn đe. Hiện mức phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn… thì bảo sao họ không tiếp tục làm”.

BĐ Phan Thị Trang Anh (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cũng rất lo lắng, thậm chí bức xúc trước tình trạng tồn tại của thực phẩm bẩn trong đời sống. Bà Trang Anh cho rằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm. Ngoài phạt tiền, cần phạt kèm theo biện pháp giáo dục ý thức về an toàn thực phẩm. Thậm chí, nên xem xét áp dụng xử lý hình sự về tội vi phạm ATVSTP với hành vi buôn bán thực phẩm bẩn, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng...

“Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức về ATVSTP, biết cách nhận biết, nói không với thực phẩm bẩn và thực hiện tốt các khuyến cáo của các đơn vị chức năng trong sử dụng thực phẩm. Qua đó, phát hiện, tố giác vi phạm và tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác xử lý” - bà Trang Anh kiến nghị.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202211/ngan-chan-thuc-pham-ban-can-bien-phap-manh-hon-3146234/