Ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật

Thời gian gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh là vấn đề nhức nhối, đáng quan ngại bởi tội phạm vị thành niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội, làm đảo lộn cuộc sống của không ít gia đình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng” với 23 bị can là thanh, thiếu niên tại huyện Thanh Thủy

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng” với 23 bị can là thanh, thiếu niên tại huyện Thanh Thủy

Thực trạng nhức nhối

Ngày 23/10, TAND huyện Thanh Thủy mở phiên tòa xét xử sơ tẩm vụ án “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, nhóm 14 thanh niên ở thôn Phù Lao, xã Sơn Thủy do Nguyễn Đức Vương (SN 2007 ở khu 6, xã Sơn Thủy) cầm đầu mâu thuẫn đánh nhau với nhóm thanh niên ở thôn Thủy Trạm, xã Sơn Thủy do Nguyễn Quang Vinh (SN 2005 ở khu 2, xã Sơn Thủy) cầm đầu.

Tối 15/2/2024, nhóm thanh niên ở thôn Thủy Trạm chuẩn bị hung khí gồm kiếm, vỏ chai bia, gạch đá... mai phục đợi tấn công nhóm thanh niên ở thôn Phù Lao. Khoảng 22h15 phút, nhóm của anh Đặng Văn Nam (SN 2008 ở khu 21, xã Hoàng Xá) đi qua vị trí mai phục. Do trời tối, nhóm thanh niên thôn Thủy Trạm nhìn nhầm và ném đá tấn công nhóm của Đặng Văn Nam. Hậu quả, Đặng Văn Nam bị thương nặng và tử vong.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Thủy đã khởi tố vụ án hình sự đối với 23 đối tượng. Tại buổi xét xử, TAND huyện Thanh Thủy đã tuyên phạt 12 bị cáo lãnh án tù giam. Trong đó, mức phạt tù cao nhất là 10 năm.

23 thanh, thiếu niên đứng trước vành móng ngựa có độ tuổi phổ biến từ 15 đến 19 tuổi. Án tù là hình phạt thích đáng cho những thanh, thiếu niên lười học, ham chơi, thích nổi máu yêng hùng và giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Phiên tòa kết thúc, dòng người lặng lẽ ra về. Gương mặt buồn rười rượi của những người cha, người mẹ. Con của họ có cơ hội làm lại hay không khi mà án tích sẽ đi theo cả cuộc đời như một vết nhơ không thể xóa.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, địa bàn TP Việt Trì xảy ra 42 vụ với 129 thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; đã khởi tố 24 vụ với 58 bị can; xử phạt hành chính 18 vụ/71 đối tượng. Trong đó, đáng chú ý, 4 vụ thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm, điều khiển xe máy sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng. Công an TP Việt Trì đã điều tra làm rõ và khởi tố 4 vụ với 30 bị can, tạm giam 18 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 9 bị can... Độ tuổi của các bị can mới chỉ 14 đến 24 tuổi.

Thay vì đầu tư thời gian vào việc học tập và lao động, các đối tượng hay tụ tập thành nhóm, rủ rê, lôi kéo các thanh niên manh động khác vào các cuộc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Phương tiện được các đối tượng sử dụng là xe máy cá nhân được độ, chế, tháo, thay biển kiểm soát để tránh sự truy xét của cơ quan chức năng; vũ khí tự chế như dao, phóng, típ sắt, gậy, kiếm, gạch, đá, vỏ chai bia...

Hình ảnh một số thanh, thiếu niên tụ tập, bốc đầu, quay video khoe “chiến tích” lên mạng xã hội xảy ra tại TP Việt Trì

Hình ảnh một số thanh, thiếu niên tụ tập, bốc đầu, quay video khoe “chiến tích” lên mạng xã hội xảy ra tại TP Việt Trì

Đây đều là học sinh cá biệt của các trường THPT, có tâm lý hiếu chiến, thích thể hiện, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt hoặc người thân, gia đình buông lỏng quản lý. Cơ quan công an nhận định, nhiều đối tượng đã lên mạng tự tìm hiểu về hành vi vi phạm, độ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật và cố tình vi phạm. Cá biệt, có cả trường hợp manh động tấn công cả lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.

Trên các tuyến đường của TP Việt Trì vào các giờ tan học, người dân vẫn bắt gặp một số thiếu niên mặc đồng phục học sinh, đầu không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng trên đường. Lực lượng công an đã và đang có nhiều biện pháp mạnh tay cùng với gia đình, nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Động thái quyết liệt

Từ đầu năm học 2024 - 2025, bãi đỗ xe học sinh của trường THCS Nông Trang, phường Nông Trang, TP Việt Trì vắng bóng hẳn những chiếc xe máy điện, xe đạp điện. Từ sau khi lực lượng CSGT kiểm tra tình hình chấp hành luật giao thông đường bộ của học sinh, nhiều phụ huynh nhận thức được việc giao xe máy điện, đạp điện cho con tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi là sai. Nhiều học sinh thay vì đi xe máy điện, đạp điện như trước thì nay chuyển sang đi xe đạp hoặc được bố mẹ, người thân đưa đón.

Lực lượng CSGT - TT Công an thị xã Phú Thọ kiểm tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Lực lượng CSGT - TT Công an thị xã Phú Thọ kiểm tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Nông Trang cho biết: “Nhà trường rất đồng tình, ủng hộ động thái xử phạt quyết liệt của lực lượng CSGT với tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đã được gia đình giao xe máy điện, đạp điện để đi học. Các em chưa đủ nhận thức về hành vi sẽ tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro khi tham gia giao thông. Gia đình, phụ huynh qua đó phải nâng cao nhận thức, siết chặt quản lý con em mình”.

Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng gia đình, phụ huynh buông lỏng quản lý, giao xe cho người chưa đủ tuổi là một trong những nội dung là lực lượng CSGT trên toàn tỉnh thực hiện quyết liệt vào đầu năm học mới. Trong đợt triển khai cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, ngay ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 179 trường hợp, tạm giữ 95 xe. Trong đó 67 trường hợp không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, 24 trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, phạt tổng số tiền trên 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và giáo dục kiến thức pháp luật vẫn được nhà trường đẩy mạnh phối hợp với lực lượng công an giúp các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên hiểu rõ nguyên nhân, cách thức phạm tội và hậu quả để không bị rủ rê, lôi kéo cũng như phòng ngừa cho chính bản thân mình.

Lần đầu tiên ở Phú Thọ cũng như trên cả nước, Công an tỉnh Phú Thọ đề xuất, triển khai mô hình đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng vũ khí, hung khí vi phạm pháp luật. Tại đây, trực tiếp đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã chất vấn, đặt câu hỏi với các thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật và phụ huynh học sinh.

Hội nghị khi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội nhận được hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn vào thực tế. Những buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật ở nhà trường chưa thực sự tiếp cận được với đối tượng học sinh cá biệt, có biểu hiện, mầm mống của hành vi vi phạm pháp luật. Đây là diễn đàn mới mà ở đó, thanh, thiếu niên hư được “điểm mặt, gọi tên” trình bày lại hoàn cảnh, tâm sinh lý khi vi phạm, sự ăn năng, hối hận, bài học rút ra.

Một đối tượng chỉ mới 18 tuổi, hiện đang là bị can của một vụ “Gây rối trật tự công cộng” đã chia sẻ: Khoảng thời gian ở trong trại tạm giam, nằm trên tấm phản xi măng, xung quanh là bốn bức tường cao mới nhận thấy giá trị của sự tự do và khuyên các bạn không nên đi theo vết xe đổ của mình.

Những bậc phụ huynh đã thừa nhận khuyết điểm khi buông lỏng quản lý dẫn đến con cái vi phạm pháp luật và nguy cơ bị phạt tù. Một người bố trong buổi đối thoại cho biết: Từ khi con được tại ngoại, tôi đã chấn chỉnh lại phong cách ăn mặc cũng như theo dõi các mối quan hệ ngoài xã hội của con để kịp thời can ngăn, không để con thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh khi kết luận buổi đối thoại đã nhiều lần nhấn mạnh: “Hành vi vi phạm pháp luật là điều không thể che giấu. Thông qua các kênh thông tin do Nhân dân, cơ quan công an sẽ xác minh, điều tra, làm rõ, kiên quyết không bỏ lọt tội phạm”. Mô hình đối thoại nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo Nhân dân bởi lẽ, ở đó, thanh, thiếu niên cùng phụ huynh cha mẹ đã dám thừa nhận sai lầm, nhận ra hành vi của mình bị cả xã hội lên án.

Nếu mọi cá nhân thế hệ trẻ “khỏe mạnh” về tinh thần, trí tuệ, nhân cách sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước. Ngược lại, nếu không ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sa sút về đạo đức, văn hóa... trong những người trẻ thì có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng các xung đột trong xã hội và là mầm mống của nhiều loại tội phạm.

Những mô hình, cách làm sáng tạo sẽ được cơ quan chức năng nhân rộng, triển khai trong thời gian tới hướng đến mục tiêu lớn nhất ngăn chặn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, để thế hệ trẻ Đất Tổ phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ngan-chan-tinh-trang-thanh-thieu-nien-vi-pham-phap-luat-221545.htm