'Ngân hàng Lợn' giúp nhiều học sinh dân tộc không phải bỏ học vì đói nghèo
Cô giáo trẻ có sáng kiến giúp học sinh cũ mua lợn giống về nuôi, đến Tết cô mua lại lợn lớn để tạo thu nhập cho học sinh nghèo. Cách làm này nhanh chóng được các nhà hảo tâm ủng hộ để có Ngân hàng Lợn giúp học sinh nghèo vùng cao vượt khó, nhà hảo tâm thì có thịt lợn sạch để ăn.
Cậu học trò nghèo đầu tiên "vay" lợn giống để Tết bán lợn sạch
Cô Nguyễn Thanh Thanh - giáo viên Trường Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) cho biết, cậu học sinh cũ của cô là Tẩn Láo Tả vì gia đình rất khó khăn nên học hết lớp 9 phải nghỉ học để phụ việc bố mẹ nuôi các em ăn học.
Nay Tả vừa 18 tuổi, rất chăm chỉ, hiền ngoan. Vào mùa mận đào mỗi khi đi qua nhà cô giáo cũ, em lại mang quà cây nhà lá vườn xuống biếu cô. Học sinh dân tộc nghèo khó nhưng sống tình cảm. Ngoài Tả còn có nhiều học sinh cũ tới thăm cô Thanh và cô cũng hay bày cho các em cách làm ăn, động viên các em phấn đấu học tập, hoặc làm kinh tế chứ đừng vội lấy vợ, lấy chồng sớm.
Hôm cô Thanh đăng lên face bán mấy con lợn giúp bà con dân bản, Tả liền nhắn tin trò chuyện với cô: "Nhà em có rất nhiều ngô và rau có thể nuôi được lợn sạch, nhưng lại không có đủ tiền để mua lợn giống về nuôi". Cô Thanh thương cậu học trò cũ, bèn mua 2 con lợn giống gửi Tả nuôi giúp, hẹn lợn to cô mua lại, vừa có thịt lợn sạch ngon, vừa giúp Tả có thu nhập.
Cũng ngay lúc đó, cô Thanh chợt nảy ra ý muốn giúp thêm những học sinh nghèo khác có thu nhập bằng cách mua lợn giống ký gửi. Tiền giống do các nhà hảo tâm - những người muốn ăn thịt lợn sạch ứng ra mua. Học sinh nuôi lợn bằng ngô, rau tự trồng. Khi lợn lớn thì sẽ bán theo giá thị trường và trừ tiền giống đã ứng trước. Vậy là học sinh có thể kiếm tiến lãi qua việc nuôi lợn, còn các nhà hảo tâm thì có thịt lợn ngon sạch để ăn.
Cô Thanh ngỏ ý thời điểm này bắt đầu nuôi lợn thịt Tết, các nhà hảo tâm có thể giúp em Tả và các học sinh khác ký gửi nuôi thịt lợn sạch, giáp Tết các em sẽ gửi lợn về tận nhà cho các nhà hảo tâm.
Sáng kiến giúp đỡ học sinh bằng cách gửi tiền mua lợn giống để Tết mua lại lợn sạch ăn không ngờ được rất nhiều người ủng hộ. Đầu tiên là bà Phan Vũ Diễm Hằng – Trưởng nhóm Ong Chăm ở Hà Nội góp tiền mua 1 lợn giống, nhưng Tết bà không lấy lợn, mà góp "cổ phần" cho Ngân hàng Lợn để giúp những học sinh vùng cao nghèo.
Bà Diễm Hằng giải thích, người "vay" lợn giống sang năm sẽ trả lại 1 con lợn giống khác để người khác được "vay" tiếp. Trường hợp rủi ro, dịch bệnh thì người "vay" được xóa nợ - tất nhiên là người "vay" phải làm tốt mọi khâu chăm nuôi, nếu không thì sẽ bị đưa vào "sổ đen" không được "vay" tiếp.
Nhiều nhà hảo tâm khác ở Hà Nội cũng muốn góp tiền mua lợn giống giao cho em Tả nuôi và Tết cũng góp vào Ngân hàng Lợn chứ không thu lợn về. Em Tả trở thành học sinh đầu tiên của cô giáo Thanh Thanh nhận nuôi 5 con giống.
Ở điểm trường Suối Sìn Hồ, cô giáo Thanh sẽ đứng ra điều phối, hiện cô đang khảo sát tìm nhà học sinh có nhiều ngô, rau, chuồng lợn để đảm bảo nguồn thức ăn để giao lợn giống. Mỗi nhà chỉ giao 5 - 10 con chứ không giao nhiều để đảm bảo ngô, rau nuôi lợn, không tập trung nuôi hết một chỗ để giảm thiểu rủi ro.
Một số nhà hảo tâm lớn tuổi chia sẻ, khoảng 20 năm trước, ý tưởng này đã được các tổ chức quốc tế đưa vào Việt Nam với mô hình Ngân hàng Bò giúp bà con nông dân - đã được đánh giá khá tốt. Nay Ngân hàng Lợn mở ra mang tính từ thiện, khuyến khích việc chăn nuôi cho đối tượng là các học sinh có ý chí muốn vươn lên để có điều kiện đi học tốt hơn.
Bà Diễm Hằng chia sẻ, mô hình Ngân hàng Lợn được coi là gây quỹ khuyến học giúp học sinh nghèo vùng cao sẽ mở rộng ở nhiều nơi, chứ không chỉ ở trường Suối Sìn Hồ. Các nhà hảo tâm sẽ điều phối nuôi lợn tới các điểm trường khác, với nhiều học sinh khác, cũng là cơ hội để họ đóng góp vào Ngân hàng Lợn gây quỹ khuyến học cho học sinh vùng cao. Đồng thời sẽ kết nối với các thầy cô giáo tìm thêm những học sinh có tiêu chí "hoàn cảnh khó khăn" để giao nuôi và thỏa thuận đôi bên rõ ràng.
-Theo bà Diễm Hằng, trước năm 2000, bà biết có dự án Ngân hàng Bò nên từ đó đã ấp ủ ý tưởng giúp học sinh nghèo vùng cao theo mô hình này, nhưng nay mới đủ duyên để mở Ngân hàng Lợn. Vài năm trước, các nhà từ thiện từng quyên góp tài trợ mua lợn giống cho một số trường có học sinh bán trú chăn nuôi bằng cơm rau thừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày như Trường tiểu học dân tộc bán trú Nậm Khòa được hỗ trợ nuôi 26 con lợn, 120 con gà, thêm 4 con chó để trông gà. Bây giờ có Ngân hàng Lợn thì rất tốt cho cả học sinh và nhà hảo tâm.
Các cô giáo tìm cách đánh dấu lợn để biết là lợn của nhà hảo tâm nào gửi nuôi (vì lợn giống mua về có con to, con nhỏ), nhưng các nhà tài trợ muốn đơn giản là mua 5 con lợn giống hết bao nhiêu tiền chia đều cho 5 nhà tài trợ. Khi thịt lợn thì hên xui đánh số bốc thăm từ 1 đến hết, ai được lợn to là có lộc, ai được lợn bé thì hoan hỉ giúp học sinh. Có nhà hảo tâm còn vui vẻ nhường nhau lấy lợn to trước, họ sẽ lấy sau cùng và không cần bốc thăm.
Chẳng may gặp rủi ro thì 5 nhà tài trợ góp lại mua lợn giống mới và lợn bé này thì một trong 5 nhà tài trợ vui lòng chờ thêm thời gian nữa.
Nếu Tết này nhà hảo tâm nào chưa cần lợn thì học sinh sẽ bán đi và mua lợn giống khác nuôi tiếp tới khi nào nhà hảo tâm cần thì giao lợn. Như thế lợn sẽ được học sinh bán quay vòng và mua thêm lợn giống nữa.
Các cô giáo ở vùng cao luôn nghĩ ra những cách tốt nhất để giúp đỡ học sinh. Với sáng kiến Ngân hàng Lợn, cô giáo Thanh Thanh và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ học sinh nghèo vùng cao cái cần câu cơm cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, không vì đói khổ mà phải bỏ học. Cũng nhân việc này, đã có nhà hảo tâm tính làm bếp Biogas cho các trường nội trú để làm chất đốt, đỡ được mấy tấn củi 1 năm, thậm chí ghép luôn bếp đun tự sinh nước nóng cho các thầy trò dùng.
Nếu mô hình Ngân hàng Lợn này thành công, thì hy vọng sang năm 2021, từ một điểm Ngân hàng Lợn sẽ mở rộng hơn ra nhiều nhà học sinh nghèo khác nữa nuôi lợn sạch để gây quỹ khuyến học giúp học sinh nghèo vùng cao.
Hiện đối tượng được các nhà tài trợ giúp cần có những yêu cầu sau:
1. Đối tượng thụ hưởng là các trường nội trú, bán trú và gia đình các học sinh nghèo có ý chí vươn lên.
2. Hình thức vay: Đơn vị thụ hưởng (trường/gia đình) vay của Ngân hàng Lợn 1 (hoặc X) con lợn giống (đơn vị thụ hưởng chọn lợn giống, báo giá, Ngân hàng Lợn sẽ chuyển tiền để mua). Sau 12 tháng, đơn vị thụ hưởng trả lại Ngân hàng Lợn 1 (hoặc X) con giống có độ lớn tương đương (có thể tiếp tục vay lợn giống hoặc hoàn tiền lại cho Ngân hàng Lợn). Nếu kết quả chăn nuôi tốt, Ngân hàng Lợn sẽ tiếp tục cho vay. Nếu trong quá trình chăn nuôi gặp tổn thất, lợn chết do dịch bệnh và nếu đơn vị thụ hưởng đã làm tốt công việc chăn nuôi của mình, Ngân hàng Lợn sẽ xem xét xóa nợ.
3. Ngân hàng Lợn sẽ làm việc với Phòng Giáo dục huyện cùng với nhà trường nếu người thụ hưởng là gia đình học sinh.
4. Đối với các "cổ đông", có 2 hình thức:
a) Góp tiền mua lợn con để đơn vị thụ hưởng nuôi, đến Tết lấy lợn to về - cổ đông phải trả tiền như mua lợn bình thường (có trừ đi vốn góp). Với cách này, cổ đông chắc chắn có lợn sạch ăn Tết. Tiền bán lợn sẽ chuyển cho thầy/cô phụ trách việc này, số lượng theo số tiền thực dùng để mua lợn giống.
Đến Tết, cổ đông và các thầy/cô đứng ra thuê người làm thịt, đóng thùng đá và gửi về từng nhà rồi thanh toán nốt cho các thầy/cô.
b) Góp tiền cho Ngân hàng Lợn như đóng góp từ thiện.
Bà Phan Vũ Diễm Hằng
Trưởng nhóm Ong Chăm