Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái gì sau quyết định hạ lãi suất của Fed?

Theo các chuyên gia, việc Fed hạ lãi suất sẽ tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam, song trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa vội hạ lãi suất.

Thêm dư địa cho chính sách tiền tệ

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngày 19/9 (theo giờ châu Á) và có khả năng sẽ giảm tiếp như vậy trong quý 4 năm nay, giới chuyên gia cho rằng, việc Fed giảm lãi suất có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có chính sách tiền tệ.

Cụ thể, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD giảm áp lực lên lãi suất VND, đồng thời sẽ kéo dòng vốn ngoại ở lại Việt Nam mà không chảy sang thị trường khác, đặc biệt là Mỹ. Cộng hưởng là nguồn cung ngoại tệ dự báo tiếp tục tích cực trong thời gian tới nhờ xuất khẩu tăng trưởng tích cực, kiều hối thường chảy mạnh vào dịp cuối năm... giúp sức ép lên tỷ giá vơi đi rất nhiều. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể tranh thủ mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối giúp niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ gia tăng.

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhận định, động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ ở các nước, nhất là nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách linh hoạt hơn trong hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là giải tỏa áp lực tăng lãi suất trong thời gian qua.

“Thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng để ngân hàng hút vốn phục vụ cho cầu tín dụng cuối năm. Điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, với việc áp lực tỷ giá nhẹ gánh hơn, ngân hàng có thêm nhiều dư địa để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chí là có thể giảm thêm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Điều này đối với Việt Nam rất cần thiết không chỉ để đạt mục tiêu cao hơn năm nay, mà còn phục hồi sau tác động bất lợi của bão” - TS. Võ Trí Thành phân tích.

Động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam. Ảnh: Vân Anh

Động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam. Ảnh: Vân Anh

Thực tế thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phát đi tín hiệu rất tích cực khi liên tục giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Gần đây nhất ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất OMO về 4%/năm cho thấy nhà điều hành định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Lãi suất liên ngân hàng thấp hơn có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nếu chỉ tập trung giải pháp hỗ trợ từ chính sách tiền tệ sẽ không đạt hiệu quả cao mà tạo thêm gánh nặng cho nhà điều hành. Vấn đề đặt ra hiện nay làm sao tăng khả năng hấp thụ vốn. Để giải quyết hiệu quả bài toán này, các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thông qua một loạt giải pháp kích cầu như giảm thuế, phí, rốt ráo gỡ vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản...

Ngân hàng Nhà nước chưa vội hạ lãi suất

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng UOB Singapore cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không hạ lãi suất trong năm nay. “Chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% như hiện tại” - ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB Singapore nhận định.

Đồng thời, “Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất” - chuyên gia quốc tế này nói.

Ông Suan Teck Kin cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khác. Tuy nhiên, việc Fed (ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới) vừa công bố cắt giảm lãi suất có thể làm tăng áp lực đối với Ngân hàng Nhà nước để xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ Việt Nam.

Theo nhận định của ông, dù siêu bão Yagi (bão số 3) tàn phá Việt Nam nặng nề và tỷ giá VND phục hồi đáng kể kể từ tháng 7/2024, UOB vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024, bởi vì Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tập trung kiềm chế lạm phát.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, mức độ ảnh hưởng từ việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ là không lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2024. “Chúng ta sẽ nhìn thấy tác động rõ rệt hơn từ đầu năm 2025 trở đi, do chính sách luôn có độ trễ. Tôi vẫn hi vọng năm nay kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6%” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận định.

Theo vị chuyên gia, với nhà điều hành tiền tệ, thận trọng sẽ là yếu tố cần thiết, bởi một cú cắt giảm của Fed chưa nói lên được nhiều điều, nhất là khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, đây chưa phải là xu hướng. Dù vậy, việc Fed giảm lãi suất cũng tạo ra những dư địa nhất định để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, không cần phải đảo chiều chính sách.

Ngoài ra, thời điểm USD xuống giá như thế này rất thích hợp để mua vào, nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối cũng như tăng dự trữ vàng. Đây cũng đang là xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Duy Minh - Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-nha-nuoc-se-co-dong-thai-gi-sau-quyet-dinh-ha-lai-suat-cua-fed-347190.html