Ngân hàng Sacombank (STB): Đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng
Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) vừa cho biết lợi nhuận trước thuế cả năm nay ước tăng 50% so với năm trước. Đáng chú ý, ngân hàng này đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) vừa cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của ngân hàng ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Ngân hàng Sacombank cũng cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ NIM cả năm nay ước đạt 3,88%; đồng thời, các chỉ số ROA và ROE cả năm nay lần lượt đạt 1,21% và 18,03%, tương ứng với mức tăng 0,3 điểm phần trăm và 4,2 điểm phần trăm so với mức thực hiện của năm 2022.
Đáng chú ý, các tỷ lệ an toàn hoạt động và chỉ số tài chính của Ngân hàng Sacombank tiếp tục được cân bằng giữa mục tiêu an toàn và hiệu quả với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%, tỷ lệ LDR ước đạt 83%, và tỷ lệ CAR ước đạt 9,45%.
Ngân hàng Sacombank cho biết đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu. Công tác thu hồi và xử lý nợ được quyết liệt thực hiện, ước gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý thành công, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Ngân hàng Sacombank nhiều khả năng sẽ hoàn thành xong Đề án tái cơ cấu trước thời hạn đề ra (năm 2025), thậm chí sớm nhất là trong nửa đầu năm 2024.
Sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank sẽ bước sang chu kỳ hồi phục mạnh mẽ trong những năm tới, có thể thực hiện đầy đủ các hoạt động, có thể trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Đặc biệt, chi phí dự phòng của Ngân hàng Sacombank sẽ giảm mạnh sau khi hoàn thành trích lập 100% lượng trái phiếu VAMC. Điều này có thể giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng vọt lên mức khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương với các ngân hàng có cùng quy mô khác.
Ngoài ra, dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) và thu nợ ngoại bảng của ngân hàng này có thể tăng đột biến trong những năm tới khi các tài sản thế chấp được xử lý thành công. Hiện Ngân hàng Sacombank đang là ngân hàng niêm yết lớn thứ 7 của Việt Nam về quy mô tài sản và có thế mạnh trong mảng bán lẻ và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán Vietcombank (VCBS), Ngân hàng Sacombank có thể đẩy nhanh quá trình đấu giá các tài sản bảo đảm bất động sản và chào bán thành công 32,5% cổ phần STB do VAMC quản lý trong nửa cuối năm 2024. Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, Ngân hàng Sacombank được kỳ vọng sẽ trở lại cuộc đua một cách mạnh mẽ do có thể cùng lúc giải quyết 2 vấn đề về nợ xấu tồn đọng và chủ sở hữu, theo VCBS.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 22/12, thị giá cổ phiếu STB đạt 27.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 21% so với hồi đầu năm nay.