Có gì đặc biệt trong bức tranh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các Ngân hàng trong quý III?
Nhiều ngân hàng báo lãi lợi nhuận quý III/2024 và 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, một số nhà băng vẫn ghi nhận nợ xấu có xu hướng tăng và buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tiếp tục là quán quân toàn ngành về lợi nhuận. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm. Riêng quý III, thu nhập lãi thuần của VCB tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 13,578 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 43% lên 1,272 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng 5% lên mức 5,811 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý, ngân hàng giảm đến 78% chi phí dự phòng rủi ro, chỉ còn trích gần 326 tỷ đồng, do đó VCB lãi trước thuế gần 10.699 tỷ đồng, tăng 18%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, VCB lãi trước thuế hơn 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID): Lũy kế 9 tháng, ngân hàng quốc doanh này đã thu về gần 22.047 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 73% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Trong quý, BIDV trích 4.453 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (-25%), do đó BIDV lãi trước thuế hơn 6.498 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, BIDV lãi trước thuế gần 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB): Tính riêng quý III, nhà băng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.929 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 22.842 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 927,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm và 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 495,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21,0% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vẫn kiểm soát tốt chi phí hoạt động, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này lại tăng đáng kể, từ mức gần 945 tỷ đồng quý III/2023 và quý III/2024 là 1109 tỷ đồng. Tính 9 tháng đầu năm từ mức gần 2.300 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên gần 4.000 tỷ đồng năm nay, tương đương mức tăng 73%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG): Theo báo cáo tài chính quý III/2024, ngân hàng này ghi nhận gần 6.553 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý III/2024, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng từ đầu năm, ngân hàng quốc doanh này đã thu về 19.513 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 71% mục tiêu cả năm.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của VietinBank đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9%, đạt 1,61 triệu tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng đạt gần 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Cũng đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu của ngân hàng này vào khoảng 23.225 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo đó tăng từ 1,13% đầu năm lên 1,45%. Trong quý, Vietinbank trích chi phi dự phòng rủi ro tín dụng 9.268 tỷ đồng so với 7.440 tỷ đồng quý III năm ngoái. Tính 9 tháng năm 2024, chi phí rủi ro là 25.134 tỷ đồng, 9 tháng năm 2023 là 20.642 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 719 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với số âm 295 tỷ đồng của quý 3/2024.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của PVcomBank đạt 1.731 tỷ đồng, tăng mạnh so với số âm 140 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 25 lần cùng kỳ lên 1.206 tỷ đồng, là lý do chính đẩy lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm 75% về còn 83 tỷ đồng. Trong quý III, ngân hàng này trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 379,7 tỷ đồng so với 142 tỷ đồng quý III/2023.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của PVcomBank tăng nhẹ 2,6% so với thời điểm đầu năm lên 226.737 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tiền gửi và cho vay các TCTD khác đạt 47.184 tỷ đồng, tăng 58%; chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư giảm lần lượt 35% và 33,5% về còn 4.977 tỷ đồng và 28.562 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB): Kết thúc quý III, TPBank đạt hơn 5.460 tỷ đồng lợi nhuận, tín dụng tăng trưởng lành mạnh 14%. TPBank chủ động kiểm soát rủi ro, bao phủ nợ xấu, tránh những tác động tiêu cực trong tương lai khi đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm qua gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ 2023, ở mức gần 3.000 tỷ đồng. Trong quý III, TPBank trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 838,3 tỷ đồng so với 1293 tỷ đồng quý III/2023.
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.752 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu 2024, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế 8.094 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và thực hiện được 76% mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 là 10.600 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng dành hơn 1.199 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng rủi ro, tăng 45% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB): Theo báo cáo tài chính quý III/2024, ngân hàng này ghi nhận, lãi thuần sụt giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái còn 2.396 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, giảm 6% và hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Trong kỳ, MSB ghi nhận khoản lỗ hơn 130 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, trong khi cùng kỳ quý III năm ngoái lãi hơn 565 tỷ đồng... Do tăng chi phí hoạt động lên 1.163 tỷ đồng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại MSB chỉ còn 1.769 tỷ đồng, giảm 15% YoY. Cùng với việc trích lập 558 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế quý III/2024 đạt 1.211 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ quý III năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) : Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 13.861 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng năm 2024, ngân hàng mới chỉ hoàn thành khoảng 66% mục tiêu sau 3 quý.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng nợ xấu của VPBank đạt 30.531 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2023. Trong đó, khoản nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ghi nhận mức tăng đáng kể từ 4.362 tỷ đồng lên 7.354 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong kỳ, VPBank cũng trích lập dự phòng hơn 6.125 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB): Dù chi phí hoạt động tăng 14% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 19% lần lượt là 864 tỷ đồng và 201 tỷ đồng, Eximbank vẫn thu về khoản lãi trước thuế đột biến quý III/2024 đạt 903 tỷ đồng, tăng tới 104% so với quý 3 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Eximbank đã thu về 2.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, năm 2024 ngân hàng này đặt mục tiêu lãi ở mức 5.180 tỷ đồng, do vậy, Eximbank mới hoàn thành được 46% mục tiêu đặt ra sau 3/4 năm tài chính.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) vẫn duy trì ổn định ở vị trí Top 6 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 15.335 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả. Dù mức tăng trưởng lợi nhuận tương đối khiêm tốn so với các nhà băng khác, kết quả kinh doanh vẫn đang đi đúng kế hoạch khi đã hoàn thành 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong kỳ, ACB cũng trích ra 368 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, vì vậy ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 4.844 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ quý III năm ngoái.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB): Dù chi phí hoạt động đi ngang ở mức 560 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 31%, chỉ còn 182 tỷ đồng.
Cùng với việc trích lập dự phòng rủi ro gấp 2,2 lần cùng kỳ lên gần 526 tỷ đồng, kết quả ABBank lỗ trước thuế hơn 343 tỷ đồng - quý lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết, trong khi cùng kỳ lãi 22 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế gần 239 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ABBank còn cách khá xa khi mới thực hiện được 24% sau 3 quý.