Tạo lập doanh nghiệp 'trụ cột', tăng nguồn thu trong nước
Hiện nay, nhiều nguồn thu đã có sự phục hồi. Điển hình như thu của khu vực các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp xuất khẩu.
Sáng 5/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan tới việc thu ngân sách nhà nước năm 2024 và những bài học kinh nghiệm, cũng như hạn chế, thiếu sót, vướng mắc ảnh hưởng đến mục tiêu thu chi ngân sách.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Cổ phần hóa, thoái vốn hầu như “nằm” trên giấy
Năm 2024, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới và xung đột Nga- Ukraine và đặc biệt là biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước; trong đó, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ảnh hưởng nặng nề tới khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và đồng hành của Quốc hội, doanh nghiệp và nhân dân, dự toán thu ngân sách năm 2024 ước khoảng 1,79 triệu tỷ đồng, cả năm ước thực hiện 1,87 triệu tỷ đồng, vượt 172.300 tỷ đồng, tương đương 10,1% so dự toán. GDP năm nay có khả năng tăng 7%, đạt mục tiêu của Quốc hội giao cho Chính phủ.
Như vậy, đây là những con số rất ấn tượng và quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc thu chi ngân sách vẫn còn những tồn đọng. Trong thời gian tới, cả nước phải cùng ghé vai, chung sức đẩy mạnh thực hiện. Đó là việc có tiền mà chưa chi được, tỷ lệ giải ngân thấp là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm từ phía Chính phủ và các địa phương.
Tại sao tiền ngân sách có mà chi không được, trong khi đó, bộ, ngành, địa phương cũng đang rất cần tiền. Nếu chi được số tiền này, khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, có những hạn chế thấy rõ, đó là nợ đọng thuế của các doanh nghiệp năm sau cao hơn năm trước; trong đó, nợ đọng từ thu tiền sử dụng đất chiếm khoảng 40%. Tôi nghĩ rằng, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong vấn đề này.
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập và số doanh nghiệp rút lui tương đương nhau, ảnh hưởng không hề nhỏ đến thu ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiện nay hầu như nằm trên bàn giấy, chưa có chuyển động nào. Đây là những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách.
Trước tiên, tôi đề xuất với Chính phủ việc giao thu ngân sách sao cho chuẩn, đúng tính chất. Thực tế, có những chuyên gia cho rằng, do việc đánh giá, dự báo thu chưa chuẩn, chưa sát, gây ra việc hụt thu ngân sách so với kế hoạch.
Đối với những trường hợp nợ đọng tiền ngân sách phải cương quyết thu hồi. Còn những trường hợp nào không thu hồi được, cần thiết phải xóa nợ, giãn nợ. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường thu, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với nguồn thu của địa phương.
Một vấn đề đặc biệt nữa là giải ngân vốn đầu tư công chậm, 9 tháng năm 2024, mới giải ngân được khoảng 47%. Tôi đề xuất, những trường hợp nào, địa phương, đơn vị nào giải ngân chậm nên thu hồi vốn và lấy vốn đó để đầu tư chi cho những địa phương, bộ, ngành giải ngân nhanh.
Thực tế cho thấy, dù cùng một hoàn cảnh, khó khăn, bất cập giống nhau nhưng có những địa phương chi đầu tư phát triển khá cao, còn có những địa phương lại ở mức thấp.
Đáng chú ý, cần tiết kiệm chi thường xuyên để dành phần chi đó cho đầu tư phát triển. Sắp tới đây, Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung sẽ cho phép phần chi thường xuyên tích lũy được sẽ dành cho chi đầu tư phát triển.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương): Định hình lại các nhiệm vụ chi
Về vấn đề thu chi ngân sách, hiện nay, thu ngân sách đang rất tốt, nhưng vấn đề chi ngân sách không phải cứ tiết kiệm chi là tốt. Nếu thu chi như hiện tại sẽ không đảm bảo minh bạch.
Tôi nghĩ đã đến lúc phải định hình lại các nhiệm vụ chi theo Luật Ngân sách nhà nước; trong đó phải tách riêng chi thường xuyên và chi quốc phòng an ninh để kiểm soát hợp lý, nhưng nội dung chi vẫn đảm bảo bí mật an ninh quốc phòng.
Đại biều Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Tăng nguồn thu trong nước
Hiện nay, nhiều nguồn thu đã có sự phục hồi. Điển hình như: thu của khu vực các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp xuất khẩu; cơ quan thuế không chỉ thu nguyên thuế doanh nghiệp mà thu cả về thuế liên quan đến cân đối xuất nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng. Tôi cho rằng, khối doanh nghiệp này vẫn tiếp tục phải là trụ cột đối với nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thuế cũng cần quản lý chặt chẽ những nguồn thu từ trước. Hiện nay, hầu như đang bị bỏ lỏng, điển hình như thu trên các giao dịch điện tử. Tôi rất mừng, khi Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tới đây sẽ ra mắt một phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo) để quản lý tự động tất cả các giao dịch điện tử. Đây sẽ là một cơ sở rất quan trọng để tăng nguồn thu; đồng thời, đảm bảo công bằng giữa những người tham gia vào kinh doanh trên mạng cũng như là kinh doanh trực tiếp.
Một điểm thứ ba, tôi cho rằng rất quan trọng đó là nguồn thu liên quan đến những khu vực dịch vụ. Năm 2024, nguồn thu này gần như phục hồi chưa mạnh, nhưng sang năm 2025 sẽ phục hồi mạnh hơn. Như vậy, nguồn thu trong nước, thu nội địa sẽ có cơ sở để phục hồi tốt.
Hiện, Việt Nam đang muốn tăng tự chủ của nền kinh tế bằng việc tăng các doanh nghiệp lớn, những tập đoàn lớn để làm trụ cột; đồng thời, những doanh nghiệp khác phải tham gia được vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị đó.
Cho nên, Chính phủ phải có những chiến lược trong việc đầu tư để tạo lập doanh nghiệp trong nước trở thành trụ cột. Điển hình như Việt Nam đang tiến hành triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, nếu cứ tiếp tục dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ không có ngành công nghiệp đường sắt của các nhà đầu tư trong nước.
Nhưng nếu chiến lược của Việt Nam là bắt buộc phải chuyển giao công nghệ cho các tập đoàn trong nước, khi đó, Việt Nam sẽ có cơ sở hình thành những tập đoàn mạnh trong nước, đứng đầu trong lĩnh vực về sản xuất công nghiệp đường sắt.
Qua đó, Việt Nam vừa có ngành công nghiệp trong nước, vừa có những doanh nghiệp trong nước và hàng loạt các doanh nghiệp khác sẽ đi theo chuỗi cung ứng để tạo nên một mạng kết nối xuyên suốt. Khi đó, nguồn thu trong nước cũng sẽ được nâng lên.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-lap-doanh-nghiep-tru-cot-tang-nguon-thu-trong-nuoc/352411.html