Ngăn ngừa sự cố học sinh rơi lầu
Mới đây, một nữ sinh lớp 8 của Trường THCS Bình Đa (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) rơi từ lầu 4 của trường xuống đất tử vong. Nguyên nhân của vụ việc đang được ngành chức năng làm rõ. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra ngay trong trường học nên khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng.
Qua vụ việc này, tôi thấy có 2 vấn đề cần quan tâm là giải pháp ngăn ngừa tình trạng học sinh bị té ngã hoặc nhảy lầu tự tử. Trước hết, các trường học cần rà soát lại những lan can không đảm bảo an toàn hoặc quá thấp khiến học sinh dễ té ngã. Gia cố lan can các tầng lầu, để học sinh không leo được ra ngoài. Cần tập huấn cho học sinh biết cách thông báo cho giáo viên biết những người bạn có hành động bất thường: xô đẩy bạn xuống cầu thang, leo ra ngoài lan can…
Thứ hai, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường ngăn ngừa sự cố học sinh rơi từ lầu cao. Bên cạnh việc dặn dò trẻ không nô đùa ở khu vực cầu thang, leo trèo qua lan can thì sự quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con cũng rất quan trọng. Ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT - tâm sinh lý đang thay đổi mạnh, trẻ thích làm theo ý mình. Khi không được như ý dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý, thậm chí bị trầm cảm.
Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân trẻ trầm cảm thường đến từ áp lực học hành, thi cử, gánh nặng về sự kỳ vọng của gia đình. Những áp lực này nếu không được cha mẹ, thầy cô, bạn bè phát hiện, động viên, chia sẻ kịp thời, để lâu ngày, các em không giải tỏa được dẫn đến trầm cảm và thường có hành vi tiêu cực.
Để ngăn ngừa tình trạng học sinh bị trầm cảm, gia đình và nhà trường không nên tạo áp lực học hành quá lớn với học sinh; quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn các em tháo gỡ những vấn đề khó khăn, rắc rối trong cuộc sống cũng như trong học tập; kịp thời ngăn chặn nạn bạo lực, bắt nạt học đường…
Bảo Ngọc (H.Long Thành)
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202210/ngan-ngua-su-co-hoc-sinh-roi-lau-3139170/