Ngăn xâm hại danh thắng quốc gia

Phú Yên sẽ đưa ra những giải pháp quyết liệt đối với tình trạng xâm hại các danh thắng quốc gia

Thời gian qua, các danh thắng quốc gia ở tỉnh Phú Yên như vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, Hòn Yến... đã bị xâm hại nghiêm trọng để lấn chiếm nuôi hải sản, xây dựng bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống, xây nhà trái phép, phá hoại san hô.

Danh thắng quốc gia Vũng Rô đang bị xâm hại bởi nhiều bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống

Danh thắng quốc gia Vũng Rô đang bị xâm hại bởi nhiều bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống

Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định từ nay đến cuối năm 2019, UBND tỉnh sẽ quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm. Hiện UBND tỉnh Phú Yên đang triển khai việc quy hoạch chi tiết, sắp xếp vùng nuôi trồng thủy hải sản ở vịnh Xuân Đài, Vũng Rô và đầm Ô Loan để trước mắt hạn chế phát sinh các lồng bè nuôi tôm, về lâu dài sẽ quy hoạch vùng nuôi bền vững, gắn liền với phát triển kinh tế của các danh thắng này. Đối với việc bảo tồn môi trường sống cho các rạn san hô ở Hòn Yến, UBND tỉnh đã mời Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, khảo sát và hỗ trợ để xây dựng phương án bảo vệ môi trường biển phục vụ cho việc phát triển các rạn san hô nơi đây.

Theo ông Dương, hiện nay, công tác quản lý các danh thắng đang sử dụng từ nguồn lực của nhà nước. Tuy nhiên, nguồn lực phân bổ cho nội dung này là rất hạn chế, không bảo đảm được việc bảo tồn chứ chưa nói đến phát triển. Một định hướng mà UBND tỉnh Phú Yên đang nghiên cứu để triển khai là thu hút xã hội hóa đầu tư vào việc bảo tồn và phát triển các danh thắng, trên cơ sở các tiêu chí và hoạt động quản lý nhà nước của tỉnh. Có như thế thì mới có đủ nguồn lực để bảo tồn và phát huy những giá trị kinh tế và văn hóa của các danh thắng quốc gia ở Phú Yên, phục vụ hiệu quả cho ngành du lịch và phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Phạm Đại Dương cho biết thêm cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh Phú Yên đã cử đoàn công tác đi Hàn Quốc để nghiên cứu, học hỏi mô hình quản lý của ghềnh đá đĩa ở tỉnh Jeju. Một điều mà tỉnh Phú Yên phải suy nghĩ nhiều là ghềnh đá đĩa ở tỉnh Jeju không đẹp bằng và có tuổi đời ít hơn, chỉ khoảng 250.000 năm so với 200 triệu năm tuổi của ghềnh đá đĩa Phú Yên. Thế nhưng, tỉnh Jeju lại khai thác khu vực này hiệu quả hơn nhiều so với Phú Yên. "Vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã làm việc với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng đề án đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu tại Phú Yên" - ông Dương cho biết thêm.

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngan-xam-hai-danh-thang-quoc-gia-20190725213422759.htm