Ngang nhiên rao bán đất, xây nhà trái phép trên đất di sản

Tháng 7/2020, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cá nhân đã ngang nhiên rao bán đất, xây dựng nhà trái phép trên đất của Công viên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên…

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một số cá nhân đã vô tư đăng tải thông tin việc mua bán đất mặt đường vào hang động núi lửa (hang động thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông). Bài đăng không chỉ nêu rõ mức giá từng khu vực với vị trí thuận lợi, đường sá được đổ nhựa hoặc thảm bê tông mà người rao bán đất đã công khai luôn số điện thoại để người có nhu cầu mua đất thuận tiện liên hệ, tìm hiểu.

Một ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Một ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Qua tìm hiểu, khu đất mà các cá nhân trên rao bán là đất rừng phòng hộ do Công ty CP đầu tư Phú Gia Phát - TP Hồ Chí Minh quản lý, bảo vệ. Tình trạng rao bán đất rừng không chỉ xâm phạm đất rừng mà còn đe dọa đến cảnh quan tự nhiên xung quanh khu vực công viên địa chất. Trước sự việc này, đại diện Công ty CP đầu tư Phú Gia Phát - TP Hồ Chí Minh cho biết, phần đất mà các đối tượng rao bán trên Facebook trước đó đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty quản lý, bảo vệ. Đơn vị này đã báo cáo chính quyền địa phương để phối hợp, xử lý cá nhân có hành vi vi phạm.

Tương tự, một cá nhân được cho là ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến mua đất rừng do UBND xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô) quản lý. Sau đó, cá nhân này đã triển khai đổ sân xi măng rộng hàng chục mét vuông, sắp đá tổ ong thành từng dãy dài hàng chục mét bao quanh khu đất mới mua. Phát hiện sự việc, UBND xã Buôn Choáh đã kịp thời ngăn chặn, yêu cầu chấm dứt việc mua bán, sang nhượng đất trái phép. Sau khi lập biên bản xử lý, cá nhân này đã về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chấm dứt hành vi vi phạm trên đất rừng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho biết, theo phản ánh từ dư luận xã hội, thời gian gần đây, trên địa bàn xã có một số cá nhân có hành vi rao bán, sang nhượng đất rừng trái phép bằng giấy viết tay. Nắm bắt được thông tin, UBND xã Buôn Choáh khuyến cáo người dân tuyệt đối không được thực hiện mua bán, sang nhượng đất đai khi chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

“Hiện nay, hầu hết diện tích đất rừng ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô đều nằm bao quanh khu vực hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Việc bảo vệ khu vực này, địa phương đang tập trung thực hiện nghiêm ngặt nhằm phát huy giá trị, khai thác tiềm năng của hang động núi lửa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sau này”, ông Nam khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo UBND xã Buôn Choáh, việc mua bán, sang nhượng thường do người dân tự thỏa thuận với nhau, không thông qua chính quyền địa phương. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng sang nhượng trái phép này là tuyến đường giao thông dẫn vào xã được nâng cấp, khang trang và cảnh quan xã Buôn Choáh cũng ấn tượng với người từ nơi khác tới.

Song song với tình trạng rao bán đất, thời gian gần đây, tình trạng xây dựng nhà ở lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực hang động núi lửa Chư Bluk thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô cũng đang diễn biến phức tạp. Mặc dù, chính quyền địa phương đã vào cuộc để ngăn chặn nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Theo UBND xã Buôn Choáh, vào những ngày đầu tháng 1/2022, trước phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra tại Tiểu khu 1260, thuộc quản lý của Công ty CP đầu tư Phú Gia Phát - TP Hồ Chí Minh và Tiểu khu 1248 thuộc quản lý của UBND xã Buôn Choáh. Đoàn công tác phát hiện 12 hộ dân tự ý lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp, trên diện tích này có 12 căn nhà được xây dựng trái phép.

Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, riêng xã Buôn Choáh có khoảng 3.000ha đất lâm nghiệp, hầu hết nằm bao quanh khu vực hang động núi lửa Chư Bluk. Gần đây, một số người dân tự ý cải tạo đất đai, xây nhà kiên cố, tình trạng này đang ảnh hưởng đến hiện trạng nguyên sơ của hang động núi lửa. “Trước thực trạng trên, đối với các trường hợp xây dựng nhà trái phép, UBND huyện đã yêu cầu hai đơn vị trên thực hiện rà soát từng trường hợp, tuyên truyền vận động người dân tự phá dỡ, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế. Việc tháo dỡ và khắc phục hậu quả phải hoàn thành trong tháng 4/2022.

Còn đối với việc rao bán đất trên diện tích đất hang động núi lửa, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền để người dân được biết, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Huyện cũng đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc này, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Ánh thông tin thêm.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ngang-nhien-rao-ban-dat-xay-nha-trai-phep-tren-dat-di-san-i649812/