Ngành chip đang bùng nổ tại Mỹ 'truyền cảm hứng' cho châu Âu

Vào mùa Hè năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học để khuyến khích phát triển nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước đồng thời tạo ra việc làm mới.

Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vào mùa Hè năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học để khuyến khích phát triển nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước đồng thời tạo ra việc làm mới. Tỷ trọng của Mỹ trong sản xuất chất bán dẫn thế giới đã giảm từ 37% xuống chỉ còn 12% từ năm 1990 đến năm 2022, mà nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm của Chính phủ Mỹ tới sự phát triển của ngành công nghiệp này, trong khi chính phủ các nước khác dành những khoản đầu tư lớn nhằm khuyến khích sản xuất chip.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ dường như ngày càng quan trọng hơn. Các nhà sản xuất chip đang đối phó với thách thức cho hàng chục dự án lớn và nhỏ. Ví dụ, Texas Instruments đã công bố khoản đầu tư lớn trị giá 30 tỷ USD vào bang Texas để xây dựng năng lực sản xuất chip mới. Số tiền 20 tỷ USD sẽ được công ty Micron ở bang New York chi cho giai đoạn đầu của dự án đầu tư, trong khuôn khổ phát triển một khu công nghiệp hoàn toàn mới. Intel cũng muốn xây dựng hai nhà máy bán dẫn ở bang Arizona với số lao động dự kiến lên đến 12.000 người. Môi trường đầu tư hấp dẫn cũng thu hút tập đoàn Đài Loan (Trung Quốc) Taiwan Semiconductor Manufacturing đến Arizona, tập đoàn này hiện chiếm 90% sản lượng chất bán dẫn tiên tiến của thế giới và muốn xây dựng một khu phức hợp trị giá 40 tỷ USD ở Phoenix, Arizona, với triển vọng tạo ra 4.500 việc làm.

Các khoản đầu tư do Chính phủ liên bang hỗ trợ cho sản xuất chất bán dẫn trong nước đã khiến các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc lo lắng. Thật vậy, luật mới từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa ra các khoản trợ cấp và giảm thuế kèm theo một số điều kiện, bao gồm chia sẻ lợi nhuận vượt mức với Chính phủ Mỹ và các quy định nghiêm ngặt hạn chế sự tham gia đầu tư của Trung Quốc và hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Do đó, Đạo luật CHIPS và Khoa học có thể được coi như một sự khởi đầu từ chủ nghĩa tự do định hướng thị trường và nghiêng về một loại chủ nghĩa dân tộc kỹ thuật hướng tới sự can thiệp của nhà nước. Địa chính trị của sản xuất chất bán dẫn xoay quanh thực tế là Trung Quốc hiện sản xuất 25% tổng số chất bán dẫn trên thế giới và đang phát triển nhanh chóng, trong khi khoảng 75% tổng số chất bán dẫn được sản xuất ở Đông Á.

Bất chấp sự đảm bảo của Tổng thống Biden, có thể giả định một cách khách quan rằng các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn khác sẽ học theo luật pháp Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ, chẳng hạn như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Ireland, Đức, Israel và Hàn Quốc, đã đưa ra một số hình thức bảo vệ để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhưng chưa đưa ra bất kỳ biện pháp địa chính trị nào bao gồm cấm và trừng phạt giống như trong trường hợp của Mỹ.

Châu Âu cần thay đổi cách tiếp cận. Việc đơn giản nhất là Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra phiên bản Đạo luật CHIPS và Khoa học của riêng mình để chống lại sự gián đoạn nguồn cung, thúc đẩy sản xuất và đổi mới, nhưng biện pháp này không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với những người nhận trợ cấp kinh doanh với các quốc gia khác. Những thay đổi lập pháp này không phải là một phần của chiến lược địa chính trị, mà là một phản ứng đối với việc thiếu chip và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cách tiếp cận của châu Âu gần đây đã thay đổi.

Ví dụ, ở cấp quốc gia, Hà Lan đã đồng ý với đề xuất của Mỹ rằng các công ty Trung Quốc bị hạn chế tiếp cận với các công nghệ sản xuất chip quan trọng. Trong EU, một thỏa thuận sơ bộ đã đạt được hai tuần trước giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên nhằm tăng tỷ lệ sản xuất chất bán dẫn của châu Âu trên toàn cầu lên 20% vào năm 2030. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cần hơn 43 tỷ euro và tăng gấp bốn lần mức sản xuất hiện tại.

Một kế hoạch đầy tham vọng như vậy sẽ buộc Ủy ban châu Âu phải làm ngơ trước sự hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty quyết định đầu tư vào sản xuất mới. Nhà sản xuất chip ST-Microelectronics của Pháp-Italy, cũng như các công ty Mỹ GlobalFoundries và Intel, đã công bố kế hoạch đầu tư vào Pháp và Đức. Do đó, các ưu đãi của nhà nước có thể đẩy nhanh đáng kể việc thực hiện các kế hoạch ở cả hai quốc gia và đưa châu Âu tiến gần hơn đến khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất chất bán dẫn trong những năm tới./.

Việt Dũng (P/v TTXVN tại Praha)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-chip-dang-bung-no-tai-my-truyen-cam-hung-cho-chau-au/291775.html