Ngành gỗ Việt Nam tìm hướng xuất khẩu mới

Đi tìm thị trường xuất khẩu mới vào thời điểm này đang trở thành bài toán với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Tiếp cận thị trường Trung Quốc hay vươn ra thị trường Mỹ để tận dụng những cơ hội xuất hiện trong cuộc thương chiến giữa hai cường quốc kinh tế này có vẻ không phải là phép tính dễ dàng.

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu gỗ.

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu gỗ.

Cơ hội

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được hai bên ký kết, dự kiến chính thức đưa và thực thi từ năm 2021. Hiệp định đã tạo ra tác động lớn về mặt nhận thức với các doanh nghiệp trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đang nghiên cứu các bước đầu tiên để có thể đáp ứng được các quy định, thủ tục, tăng sự hiểu biết về hiệp định chính là cơ hội mở rộng thị trường, có định hướng phát triển bền vững và lâu dài hơn.

Tìm hướng xuất khẩu mới là hướng đi đúng. Thị trường EU rộng lớn sẽ là giải pháp hữu hiệu đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi thị trường này đang tăng trưởng trở lại.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là tập trung vào 4 nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan. Trong khi khối EU có 28 nước thành viên, khai thác các thị trường khác trong EU là một cơ hội rất lớn khi VPA/FLEGT đã được ký kết, nhưng tiếp cận khối thị trường EU, thì điều đầu tiên cần phải thay đổi là nguyên liệu chế biến sản phẩm gỗ, khi người châu Âu yêu chuộng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc xuất rõ ràng và thân thiện với cuộc sống, cũng như môi trường.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ liên tục tăng

Trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD; chỉ sau 5 năm, năm 2013, xuất khẩu gỗ đã đạt 5,56 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2009. Đến năm 2018, đã đạt 8,91 tỷ USD, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2013. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt được trong năm 2018 chủ yếu từ các nhóm hàng chính như: đồ gỗ đạt trên 4 tỷ USD, ghế ngồi đạt 1,4 tỷ USD, dăm gỗ trên 1 tỷ USD, gỗ dán gần 700 triệu USD, viên nén trên 400 triệu USD, đồ mộc xây dựng gần 240 triệu USD.

Cụ thể, đối với mặt hàng xuất khẩu viên nén, có giá trị tăng mạnh trong 4 năm gần đây, từ 1,3 triệu tấn vào năm 2015, lên 3 triệu tấn trong năm 2018. Viên nén gỗ là một nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường và được các nước phát triển lựa chọn. Cùng với xuất khẩu viên nén gỗ thì xuất khẩu dăm gỗ chiếm tỷ trọng từ 13 - 15% giá trị kim ngạch xuất khẩu và sản phẩm gỗ của Việt Nam, là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng và giữ mức tăng trưởng đều qua các năm.

Ngoài ra, các mặt hàng gỗ dán, gỗ ghép chiếm 7,9% giá trị xuất khẩu vào năm 2018, ghế ngồi xuất khẩu 78,8 triệu chiếc, với giá trị đạt 1,28 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15,1% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam…

Đạt được những thành tựu trên là do đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và khả năng cung ứng nguyên liệu gỗ trong nhiều năm qua, trong đó có vai trò rất lớn của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đáp ứng được cả 3 tiêu chí: khối lượng cung ứng ngày càng tăng, chất lượng gỗ tốt, tính pháp lý của gỗ ngày càng được tuân thủ một cách nghiêm túc.

Do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại để xuất khẩu. Bởi vậy, Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động chống gian lận thương mại nhằm hạn chế rủi ro cho ngành về việc áp thuế từ quốc gia nhập khẩu. Đồng thời quản lý nguồn gỗ nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước. Vừa qua, Luật Lâm nghiệp chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp truy xuất được nguồn gốc gỗ dễ dàng hơn, minh bạch hơn.

Hiện ngành gỗ Việt Nam đang có một lỗ hổng đối với việc kiểm soát nguồn gốc gỗ tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đây là vấn đề cần khắc phục nếu muốn tiếp cận thị trường châu Âu trong những năm tới. Hiệp định VAP/FLEGT sẽ là bước đệm quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam mở cánh cửa bước tới thị trường châu Âu.

Thùy Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-go-viet-nam-tim-huong-xuat-khau-moi-d111843.html