Ngành Hải quan dồn lực phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách

Trong 2 tháng nước rút cuối năm, ngành Hải quan sẽ tập trung nguồn lực để thu nợ, tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu… để đạt dự toán được giao năm 2023. Toàn ngành cũng tăng cường các giải pháp nâng cao kỷ cương, kỷ luật, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi phạm pháp.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế giảm mạnh

Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi giữ đà tăng trưởng 4 tháng liên tiếp, xuất khẩu có dấu hiệu “hụt hơi”, nhưng sang đến tháng 10 hoạt động xuất khẩu đang đã lấy lại được nhịp tăng trưởng. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 10 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9%, tương ứng tăng 823 triệu USD so với tháng 9. Như vậy, tổng xuất nhập khẩu tháng 10 ước đạt 61,61 tỷ USD, tăng 4,1%, tương ứng tăng 2,45 tỷ USD so với tháng trước và cán cân thương mại tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD.

Mặc dù tháng 10 đã lấy lại đà tăng nhưng bình quân 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước chỉ đạt 557,95 tỷ USD, vẫn giảm 9,6% (so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng giảm 59,49 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu 10 tháng năm ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 22,22 tỷ USD). Còn nhập khẩu ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm sâu hơn khoảng 12,3% (tương ứng giảm 37,27 tỷ USD).

Tổng trị giá xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm giảm đã tác động lớn đến công tác thu ngân sách của ngành Hải quan. Từ đầu năm đến nay, toàn ngành Hải quan thu nộp ngân sách nhà nước đạt 302.394 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, giảm 17%.

Theo phân tích của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình như nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất chiếm 56,8% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế nhưng kim ngạch giảm 18,8%, làm giảm thu ngân sách khoảng 32.800 tỷ đồng.

Nhóm xăng dầu nhập khẩu mặc dù tăng cả về lượng và trị giá nhưng vẫn làm giảm thu khoảng 765 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tác động ưu đãi về thuế suất nhập khẩu xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%. Trong khi đó, các doanh nghiệp chủ yếu nhập từ ASEAN thay vì từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8% cũng góp phần làm giảm thu.

Nhóm dầu thô nhập khẩu tăng 11,6% về lượng nhưng giảm 10% về trị giá, dẫn đến làm giảm thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 19,7% về lượng và giảm 17,1% về trị giá, làm giảm thu khoảng 150 tỷ đồng.

Tập trung chống thất thu ngân sách

Trong bối cảnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị theo dõi sát tình hình thu, các tác động ảnh hưởng đến thu ngân sách như: việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do; sự biến động của giá dầu; sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế; các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, các cam kết hội nhập quốc tế, kịp thời đề xuất, báo cáo lãnh đạo tổng cục.

Các đơn vị hải quan đóng tại địa phương cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh, đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cắt giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; bố trí công chức trực 24/24 giờ để bảo đảm thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Cùng với đó, đơn vị tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu qua trị giá, mã số hàng hóa... nhất là các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn.

Tại Hà Nội, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội đã chỉ đạo các chi cục chỉ đạo sát sao đến từng tổ, đội trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho công tác xuất nhập khẩu giảm thời gian thông quan, thực hiện thủ tục hải quan trên tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”. Đặc biệt, tập trung đối thoại với doanh nghiệp từ cấp cục đến các chi cục và thực hiện đầu năm, sau đó dành thời gian đến với làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp lớn, có quy mô ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như số thu ngân sách trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc nếu có.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Hồng Vân.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Hồng Vân.

Tại địa bàn Lạng Sơn, ông Nguyễn Hồng Linh - Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, đơn vị duy trì thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp qua các kênh thông tin như: hòm thư góp ý, website, số điện thoại đường dây nóng, trực tiếp tại các địa điểm làm thủ tục hải quan… để kịp thời tiếp nhận, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, đơn vị từng bước hoàn thiện phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu, theo hướng giảm dần số lượng hàng hóa phải kiểm tra thực tế; đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp tạo thuận lợi trong thông quan.

Còn ở Hải Phòng, một trong những giải pháp trọng tâm là tập trung đấu tranh phòng, chống buôn lậu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn quản lý, đặc biệt là trong thời gian cuối năm 2023. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ đến từng công chức thừa hành, nhằm đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sai phạm...

Số thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố đạt 264.081 tỷ đồng

Số thu trên bằng 70,92% dự toán được giao, giảm 15,17% so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình như: Cục Hải quan Đồng Nai giảm 22,96%. Cục Hải quan Thanh Hóa giảm 22,85%. Cục Hải quan Bình Dương giảm 20,32%. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 19,07%. Cục Hải quan Hải Phòng giảm 18,38%.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-don-luc-phan-dau-hoan-thanh-du-toan-thu-ngan-sach-139293-139293.html