Ngành lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế phát triển rất nhanh

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Quốc Doanh tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến 'Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu' được Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Bình Định, vào ngày 22-4. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc; lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc bộ; các tổ chức nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, công ty. Dự tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng có đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT và lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ảnh: TL

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ảnh: TL

Năm 2021, cả nước có gần 14,68 triệu ha rừng, trong đó rừng đặc dụng 2,17 triệu ha; rừng phòng hộ 4,68 triệu ha; rừng sản xuất 7,82 triệu ha; nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến gỗ, được khai thác từ 3,69 triệu ha rừng trồng sản xuất được chia theo từng vùng sinh thái như: vùng Đông Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, với cơ cấu loài cây rừng, gồm: keo, bạch đàn, tràm… các loài cây khác có chu kỳ khai thác trên 10 năm.

Bên cạnh đó, về phát triển rừng trồng gỗ lớn cả nước có 489.016ha, được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 337.350ha rừng trồng sản xuất; về phát triển sản xuất giống cây trồng và trồng rừng hàng năm, các địa phương đã sản xuất được trên 750 - 850 triệu cây giống; diện tích rừng trồng có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%; diện tích trồng rừng trung bình hàng năm 230 ngàn ha…

Đồng chí Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế phát triển rất nhanh, bền vững và độ che phủ đã được nâng lên đáng kể; nhiều diện tích trồng rừng mới góp phần tăng nguồn thu cho các địa phương, bởi ngoài việc dùng gỗ chế biến tiêu dùng còn xuất khẩu. Năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản 15,96 tỉ USD, tăng 20,7% so với năm 2020, thị trường xuất khẩu trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với cơ sở chế biến; các sở, ban ngành trong tỉnh triển khai thực hiện phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn hợp tác, liên kết trong trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phù hợp với điều kiện của địa phương; kiểm tra, giám sát, kiểm soát công tác sản xuất, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/nganh-lam-nghiep-da-tro-thanh-nganh-kinh-te-phat-trien-rat-nhanh-56613.html