Ngày đầu cách ly xã hội: Lưu thông hàng hóa qua chốt vẫn... tắc
Trong ngày đầu thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng ách tắc khi đi qua các chốt kiểm soát dịch.
Nhiều xe vận chuyển hàng phải quay đầu trở về. Việc lưu thông chính đáng gặp nhiều khó khăn khiến người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) lo lắng.
Nhiều khó khăn
Anh Trần Văn Cường ở xã Bắc An (Chí Linh) là lái xe chuyên vận chuyển thức ăn chăn nuôi cho các đại lý, DN kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP Chi Linh. Sáng 16.2, anh Cường lái xe tải từ TP Chí Linh sang Hưng Yên để nhận cám theo thường lệ nhưng khi đến chốt kiểm dịch tại chân cầu Bình thuộc huyện Nam Sách, anh Cường phải quay về.
“Khi đến chốt kiểm dịch ở TP Chí Linh, tôi được lực lượng trực chốt cho qua nhưng lúc sang chốt phía huyện Nam Sách đã bị chặn lại, phải quay trở về. Mặc dù tôi đã xuất trình giấy xác nhận của UBND xã Bắc An với các nội dung về biển số xe, tên lái xe, số chứng minh thư nhân dân, nội dung vận chuyển hàng hóa và cam kết chấp hành quy định phòng chống dịch nhưng vẫn không được qua”, anh Cường cho biết.
Theo anh Cường, lực lượng trực chốt tại đây yêu cầu phải có giấy xác nhận do Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TP Chí Linh ký mới được đi qua chốt.
Anh Nguyễn Xuân Hưng ở xã Bắc An là chủ đại lý cám. Mỗi ngày đại lý của anh Hưng cung cấp ra thị trường từ 4 - 5 tấn cám gà. Anh Hưng đang rất lo lắng vì đến ngày chở cám cho người dân nhưng không còn hàng trong kho.
Không chỉ chốt kiểm dịch tại cầu Bình, một số chốt khác cũng bị ách tắc, khó khăn khi lưu thông. Tại khu vực cầu Hàn thuộc huyện Nam Sách, nhiều lái xe cũng phải quay đầu, không đi ra quốc lộ 5 được do không có giấy xác nhận tình trạng y tế.
Tại huyện Thanh Miện, các phương tiện qua chốt đều phải khai báo y tế, lộ trình di chuyển, đo thân nhiệt. Các lái xe không xuất trình được các giấy tờ liên quan, lực lượng gác chốt sẽ yêu cầu quay xe. Một số thời điểm các phương tiện qua lại đông trong khi lực lượng kiểm dịch mỏng gây ùn tắc trong thời gian ngắn.
Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Gia Lộc, trong sáng 16.2, các hộ kinh doanh ấp trứng tại xã Yết Kiêu phản ánh khi chở trứng ra ngoài địa bàn tỉnh để tiêu thụ, các chốt kiểm soát yêu cầu quay lại hoặc nếu ra sẽ không cho vào tỉnh nữa.
Ở TP Hải Dương, lãnh đạo siêu thị Big C phản ánh chốt kiểm soát trên các tuyến đường Thanh Niên, Trần Hưng Đạo, Hòa Bình đều không cho người dân đi qua để vào siêu thị mua sắm.
Còn theo cán bộ trực tại các chốt trên các đường Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, họ chỉ cho những người có đầy đủ giấy tờ qua chốt. Người dân đi siêu thị Big C Hải Dương sẽ được khuyên quay lại mua sắm trong phố, tránh trường hợp lấy lý do đi mua sắm tại siêu thị để đi nơi khác. Nếu người dân xuất trình chứng minh thư nhân dân và có thêm xác nhận của chính quyền nơi cư trú thì sẽ được đi qua chốt để vào siêu thị Big C.
Theo ghi nhận của phóng viên, khó khăn khi đi qua các chốt kiểm dịch có nhiều nguyên nhân như thiếu giấy xác nhận của cấp có thẩm quyền cho phép, giấy bảo lãnh của DN về giao nhận hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất; thiếu giấy xác minh không liên quan hay tiếp xúc với các trường hợp F1, F2 và F3 tại địa phương, giấy xác nhận tình trạng y tế.
Cần thống nhất trong thực hiện
Việc thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh là thực hiện tốt các mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15.2, toàn tỉnh đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, đạt 87,4% diện tích, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Trong đó còn khoảng 46.000 tấn hành; 30.700 tấn cà rốt; 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá. Ngoài ra, tỉnh còn khoảng 5.000 tấn ổi đang cho thu hoạch. Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản của tỉnh. Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có trên 300 xe thu mua, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Các địa phương đang có nhu cầu tái đàn và mua thức ăn phục vụ chăn nuôi, thủy sản nhưng việc vận chuyển con giống, thức ăn chăn nuôi vào địa bàn tỉnh và giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Trong ngày 16.2, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương phải "xin" cho nhiều xe đến thu mua nông sản, vận chuyển hàng hóa thiết yếu qua các chốt. Đó là các xe qua chốt Lai Cách (Cẩm Giàng) để vào huyện này thu mua cà rốt, trứng gia cầm; qua cầu Hàn để vận chuyển nông sản, qua Nam Sách để vào Chí Linh thu mua gà đồi; qua chốt Phú Lương-Nam Đồng để vào TP Hải Dương, qua chốt Cao Thắng (Thanh Miện)… Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong sáng 16.2, nhiều xe đến thu mua nông sản bị ách tắc ngay tại Hải Dương và họ phải quay xe thu mua ở tỉnh khác. Giám đốc Sở Công thương Phạm Thanh Hải thì phàn nàn: Tỉnh ta đã gặp 3 đợt dịch, 2 đợt phong tỏa toàn tỉnh rồi mà những vướng mắc trong lưu thông hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng, nhất là nhu cầu thiết yếu… vẫn bị tắc ở các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh. Văn bản của Trung ương, của tỉnh chưa có chỗ nào "ngăn sông cấm chợ", gây ách tắc như thế. Đề nghị giải quyết ngay. Lãnh đạo một số địa phương cũng bức xúc vì tình trạng xe đến thu mua nông sản cho bà con bị cản trở.
Ngày 17.2, khi người lao động đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng ách tắc có thể xảy ra tại nhiều chốt. Để bảo đảm lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu qua các chốt được thuận lợi, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất các điều kiện để giúp DN, người lao động thực hiện đúng quy định, tránh trường hợp mỗi chốt yêu cầu một loại giấy tờ khác nhau. Các DN, thương nhân, người lao động phải đồng lòng cùng các cấp chính quyền chung tay phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định và chia sẻ khó khăn với lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt.