Ngày nước Thế giới (22/3): Thúc đẩy sự thay đổi

Ở vị trí điểm đầu sông Hồng chảy vào Việt Nam nên việc bảo vệ an ninh nguồn nước tại địa phương có tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của nhiều tỉnh, thành phố phía hạ lưu. Do vậy, tỉnh Lào Cai luôn chủ động, tích cực đề xuất các biện pháp để tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý. Tỉnh đã chủ động, tích cực đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về vấn đề thành lập Ủy ban sông Hồng để tăng cường trao đổi thông tin về nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý, đảm bảo lợi ích của các tỉnh, thành phố liên quan cũng như 2 quốc gia Việt Nam - Trung Quốc. UBND tỉnh Lào Cai cũng chủ động đưa nội dung an ninh nguồn nước hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã được Trung ương đầu tư xây dựng Trạm Thủy văn Cốc Lếu để đo lưu lượng của nguồn nước và Trạm quan trắc nước sông xuyên biên giới tại phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) để kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước.

Việc bảo vệ nguồn nước luôn được tỉnh quan tâm.

Việc bảo vệ nguồn nước luôn được tỉnh quan tâm.

Cùng với đó, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp buộc các doanh nghiệp, nhà máy trong các khu công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung và yêu cầu các doanh nghiệp kết nối thu gom xử lý nước mặt chảy tràn; đầu tư 2 trạm quan trắc tự động môi trường không khí xung quanh để theo dõi, cảnh báo các chỉ tiêu thông số khí thải tiệm cận ngưỡng hoặc vượt ngưỡng, đồng thời cảnh báo và quy trách nhiệm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn nước, tỉnh Lào Cai đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, nhất là nước sinh hoạt nông thôn. Trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, đồng thời từ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ cấp nước đã giải ngân 82 tỷ đồng xây dựng 4.326 công trình cấp nước hộ gia đình. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Đặc biệt, đối với các khu vực gặp khó khăn về nguồn nước, có nguy cơ sa mạc hóa cao, tỉnh đã chỉ đạo triển khai, hướng dẫn người dân tích trữ nước cho mùa khô. Đơn cử như huyện Mường Khương, về mùa khô, các xã: Tả Gia Khâu, Pha Long, Dìn Chin thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm nước. Nhiều năm qua, huyện Mường Khương rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp liên quan đến bảo vệ, sử dụng nguồn nước hợp lý. Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Huyện đã khảo sát thực tế, tìm kiếm các nguồn sinh thủy, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng các hồ chứa nước tại một số xã để sớm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Cô và trò điểm trường tiểu học Na Nối, xã Bản Sen, huyện Mường Khương được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Cô và trò điểm trường tiểu học Na Nối, xã Bản Sen, huyện Mường Khương được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp bách về đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như quản lý tài nguyên nước. Nhận thức rõ vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt phương án phát triển mạng lưới thủy lợi và cấp nước nông thôn trong quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; khai thác, sử dụng bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi theo đúng quy định; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định; hướng dẫn xây dựng và đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 24 ngày 9/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Theo Liên Hợp Quốc, nước là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nước gắn bó chặt chẽ với 3 trụ cột của phát triển bền vững và tích hợp các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị. Nước xuyên suốt và hỗ trợ đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, thành phố, môi trường, an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng giới và sức khỏe, trong các mục tiêu phát triển bền vững khác. Nước thực sự là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững liên quan đến nước đã được quốc tế thống nhất, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365716-ngay-nuoc-the-gioi-223-thuc-day-su-thay-doi