Ngày sinh tập thể

Có những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thực ra nó không hề nhỏ chút nào. Nó luôn còn đâu đó trong cuộc đời của rất nhiều người, là một dấu ấn nằm trong một lát cắt lịch sử không những của cá nhân một người mà còn trong lịch sử nước nhà, không thể nào quên.

Tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện ngày tháng năm sinh của các học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, học trong các trường nội trú. Những câu chuyện nghe ra thật nao lòng, không chỉ giới hạn trong những tháng năm, mà nó dài theo suốt cuộc đời của họ.

Năm 1954 tập kết ra Bắc, đối tượng học sinh được tính từ tuổi 4-5 đến 15-16. Lứa tuổi 5-6 được học tập trung trong các trường mẫu giáo do các cô, chú nuôi dạy. Lứa tuổi ấy một bộ phận có cha, mẹ, cô, chú, cậu, dì ra Bắc gửi vào. Hoặc được cha mẹ ở trong Nam gửi theo người thân ra Bắc. Việc tuổi tác, tức ngày tháng năm sinh được gia đình, người thân, nhà trường quy định. Lứa tuổi 15-16 học ở các trường bổ túc, trường học sinh miền Nam đã lớn, hầu hết như biết ngày tháng năm sinh của mình.

Các hoạt động tập thể của học sinh miền Nam. Ảnh tư liệu

Các hoạt động tập thể của học sinh miền Nam. Ảnh tư liệu

Riêng lứa tuổi choai choai từ 7 đến 12-13 tuổi, học các trường nội trú cấp 1 và 2 chúng tôi, số không có cha mẹ, bà con theo ra, thật là bối rối. Thường thì hầu hết biết tuổi, từ đó suy ra năm sinh, còn ngày tháng sinh không ai biết. Những đợt chúng tôi chuyển từ cấp 1 lên cấp 2 để có học bạ hợp lệ, thầy cô nhà trường buộc lòng gợi ý cho chúng tôi tự chọn cho mình ngày tháng sinh. Thầy cô kêu chọn những ngày có ý nghĩa lớn như: 3/2, thành lập Ðảng; 1/5, Quốc tế Lao động; 1/6, Quốc tế Thiếu nhi; 19/8, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; 2/9, Quốc khánh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 22/12, thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam...

Một số bạn chọn ngày 19/5 và 27/7, nhưng thầy cô không đồng ý, vì muốn giữ sự tôn nghiêm ngày sinh của Bác, còn ngày 27/7 thì quá buồn. Sau này biết có một số dân tộc ở Tây Nguyên đổi hết họ theo họ của Bác Hồ, các bạn tức lắm (vì ganh đua với họ).

Một nhóm khá đông nữ trường số 4 của tôi, rủ nhau lấy ngày 23/9. Chúng tôi là những học sinh ở các tỉnh Ðông và Tây Nam Bộ, ngày 23/9 là ngày Nam Bộ kháng chiến... “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”.

Từ đó, mỗi năm đến ngày 23/9, không phân biệt lớp lang, chúng tôi tụ lại có đến bốn năm chục bạn hát với nhau, khóc nghêu ngao với nhau, cùng hướng về một phía quê nhà xa lơ xa lắc... Ở nơi ấy, có một lịch sử kiêu hùng, có những người ra đi "thuốc súng kém, chân đi không, mà lòng người giàu lòng vì nước... Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng...”. Ở đó có ông bà, cha mẹ của chúng tôi vẫn đang sống và chiến đấu giành lại độc lập, thống nhất nước nhà.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi trở về Nam, người còn gặp lại gia đình, người thì không. Số may mắn chúng tôi biết được ngày tháng năm sinh chính thức của mình. Còn nhiều bạn vẫn mãi mãi là những đứa trẻ mồ côi trong sinh nhật mà mình đã chọn.

Số có được hai lần sinh, nếu ngày sinh tự chọn đến trước, chúng tôi tổ chức đơn sơ gọi là “nháp”. Còn nếu đến sau, chúng tôi gọi là “gợi nhớ”. Ngày tháng cha mẹ sinh ra vẫn được coi là ân nghĩa, còn ngày tháng tự chọn vẫn được trân trọng vì đó là ân tình. Bởi cái ngày tháng sinh tự chọn ấy không chỉ có nơi học bạ mà hằn sâu trong lý lịch cán bộ, lý lịch Ðoàn, lý lịch Ðảng, hằn sâu suốt cuộc đời mỗi chúng tôi.

Hằng năm, nhóm bạn 23/9 của chúng tôi ở gần nhau vẫn gom lại mừng sinh nhật tập thể để vui ngút ngàn, để cười hả hê, để rơm rớm nước mắt nhớ về một thời xa xưa, hơn nửa thế kỷ đã qua.

Như vậy đó các bạn. Lịch sử không bao giờ quên năm 1954 chúng ta giải phóng Ðiện Biên đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. Chúng ta sẽ không quên cuộc chuyển dịch lịch sử lớn - tập kết - để chuẩn bị lực lượng hùng hậu sau ngày thống nhất đất nước xây dựng quê hương miền Nam. Và những câu chuyện cháy lòng như đã kể, vẫn sẽ là nỗi nhớ không quên, là dấu ấn trong lát cắt lịch sử khi đất nước còn chia hai miền Nam - Bắc, dấu ấn suốt đời trong mỗi chúng tôi./.

Ðàm Thị Ngọc Thơ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ngay-sinh-tap-the-a34911.html