Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10: 'Ưu tiên cho sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc'.

BBK -Được cử hành lần đầu vào năm 1992 theo sáng kiến của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới, Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (WMHD – World Mental Health Day) được tổ chức hằng năm vào ngày 10/10, với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần.

 Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2024.

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2024.

Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động trong Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới là “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe tâm thần trong môi trường chuyên môn, phù hợp với các nguyên tắc sáng lập của liên đoàn sức khỏe tâm thần thế giới được thành lập vào năm 1948. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ phối hợp với các bên liên quan để làm nổi bật tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khỏe tâm thần và công việc, mục tiêu là thu hút tất cả các bên – bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.

Theo thống kê năm 2023, hiện có hơn 60% dân số toàn cầu đang làm việc. Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thỏa mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống. Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người: Một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần; ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc là mệt mỏi, kiệt sức. Thế giới phát triển không ngừng, tiến bộ, thay đổi hằng ngày, con người cũng phải chạy đua để theo kịp. Áp lực công việc là động lực có thể giúp con người rèn luyện bản thân, mỗi thử thách gặp phải, mỗi mâu thuẫn trong các mối quan hệ hay công việc đều giúp bạn hoàn thiện chính mình, nhưng đôi khi nếu áp lực quá nhiều, bạn có thể cảm thấy mình vô dụng. Nhiều người đang phải trải qua những căng thẳng kéo dài mạn tính dẫn đến kiệt sức. Những căng thẳng đó diễn biến hằng ngày một cách âm thầm, chúng ta đôi khi khó nhận thức những biến đổi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn góp phần vào những hậu quả lớn hơn trong cơ quan, tổ chức.

Bệnh nhân được chăm sóc tại Khoa Tâm thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn).

Vì vậy, chúng ta cần chia sẻ trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, từ người sử dụng lao động đến người lao động, từ giám đốc, người quản lý đến nhân viên. Mỗi người cần có những cách khác nhau để thư giãn, cần những cải thiện, thay đổi để tăng cường khả năng chống đỡ, hồi phục của cơ thể. Chúng ta phải đoàn kết trong việc rèn luyện bản thân, hỗ trợ nhau để hạn chế các căng thẳng và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi sức khỏe tâm thần là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người.

Giải quyết được tình trạng mất hứng thú, chán nản, thiếu năng lượng làm việc, tạo ra một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần, khiến người lao động cảm thấy an toàn, khỏe mạnh tại nơi làm việc thì họ sẽ gắn bó với cơ quan, tổ chức và làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Điều này mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Hãy chung tay để chống lại sự giảm sút sức khỏe tâm thần và kiệt sức, tất cả mọi người cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, tạo môi trường làm việc thân thiện và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của tất cả thành viên trong đó./.

Theo số liệu của Bộ Y tế, ở nước ta tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn với 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...

Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện đang điều trị ổn định, chống tái phát cho 1.356 số bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh. Duy trì 100% xã, phường quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh; 100% người bệnh mắc tâm thần phân liệt và động kinh được phát hiện thu nhận quản lý, điều trị đúng quy định và duy trì 47 xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai quản lý và điều trị bệnh nhân trầm cảm, với 369 bệnh nhân.

Lý Dũng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ngay-suc-khoe-tam-than-the-gioi-1010-uu-tien-cho-suc-khoe-tam-than-tai-noi-lam-viec-post66599.html