Ngày thi đầu tiên: Toán, văn sẽ nhiều điểm khá

Hơn 887.000 thí sinh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đề thi ngữ văn và toán đều được đánh giá là dễ hơn năm trước

Sáng 25-6, thí sinh (TS) đã thi xong ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 - với tâm trạng thoải mái vì đề thi quen thuộc, thậm chí "trúng tủ". Nhiều TS cho biết không khó để đạt được điểm thi trên trung bình.

Môn văn: Phổ điểm sẽ chủ yếu ở 6-7

Tại điểm thi Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), TS Nguyễn Quốc Bảo, học sinh Trường THPT Marie Curie, cho biết em học khối A nhưng với đề thi này, em làm được khoảng trên 6 điểm. Cấu trúc đề thi với 2 phần rõ ràng, quen thuộc; những bài thơ, đoạn trích trong đề thi không xa lạ với học sinh nên em nghĩ TS nào cũng làm được với mức điểm trên trung bình.

Thí sinh phấn khởi sau ngày thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thí sinh phấn khởi sau ngày thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cũng học sinh trường THPT Marie Curie, em Đặng Phương Trang đánh giá nội dung phần đọc hiểu thực tế, bám sát đời sống. Phần văn học thậm chí còn "trúng tủ" nên chắc chắn em đạt điểm khá trở lên.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), nhận xét đề thi vừa sức với học sinh THPT, các câu hỏi rõ ràng có liên kết mạch lạc trong chuỗi suy nghĩ và cảm xúc của học sinh.

Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) hệ thống câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng; đoạn thơ trích "Trước biển" của Vũ Quần Phương dễ hiểu. Các câu hỏi 1, 2, 3 của phần này vừa sức, riêng câu 4 thể hiện khả năng cảm thụ và suy tưởng của TS. Câu này cũng có thể dùng để phân loại TS. Ở phần làm văn (7 điểm) đề tài quen thuộc, dễ dàng tìm dẫn chứng thực tế cuộc sống, phù hợp với khả năng tư duy học sinh. Câu nghị luận văn học là đoạn trích trong tác phẩm "Ai đặt tên cho dòng sông" hay, nhiều ý để TS khai thác, đề vừa sức học trò, nhẹ nhàng, phù hợp thời gian làm bài.

Với đề thi này, TS trung bình có thể đạt 6 điểm, khá giỏi có thể đạt 8 điểm, giỏi có thể 9-10 điểm nhưng sẽ chiếm số lượng ít.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), nhìn nhận tổng thể đề thi không có quá nhiều thay đổi và khác biệt so với năm 2018 và đề thi minh họa mà bộ công bố trước đó. Cả về cấu trúc đề và cách hỏi. Tuy nhiều giáo viên kỳ vọng và trông đợi ở một đề thi mang tính đột phá, mới mẻ hơn nhưng nhìn chung đề thi an toàn với những TS dùng để xét tốt nghiệp và cả xét tuyển ĐH, CĐ. "Việc phân tích và cảm nhận một hình tượng trong bút ký có vẻ gây khó cho TS. Từ năm 2014 đến nay mới có lại dạng đề phân tích hình tượng trong bút ký. Việc lựa chọn này khiến TS phải học bài kỹ, khi viết phong phú thì làm câu này tốt" - thầy Đức Anh nhận xét.

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định đề thi đúng với tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bám sát chương trình lớp 12, phần nghị luận văn học nằm ở bài cuối chương trình học kỳ 1 lớp 12. Đề thi ra đoạn văn nhẹ nhàng, trích dẫn nguyên đoạn, không như các đề trước đây buộc học sinh phải thuộc. Ngay ở câu 3 và 4 phần đọc hiểu đã thể hiện sự phân hóa tốt. Nhưng ở phần này, em nào trả lời rõ ràng mới đạt điểm tối đa. "Ở phần nghị luận xã hội, dữ liệu về điểm dễ dàng, viết về ý chí thì TS nào cũng đã làm quen qua các sự kiện xã hội gần đây. Vấn đề là các em viết như thế nào để "ăn" điểm. Năm nay, dự báo điểm 6, 7 sẽ nhiều" - cô Oanh dự đoán.

Môn toán: Không khó để được 7-8 điểm

Ở buổi thi môn toán, nhiều TS sau khi ra khỏi phòng thi cho biết đề thi không khó để đạt điểm 7. Nhiều giáo viên thừa nhận đề dễ hơn năm ngoái. Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng đề toán dễ, độ phân hóa cao. Cấu trúc đề thi tương đương, sát sườn đề thi tham khảo mà bộ ra. Kiến thức lớp 10, 11 chiếm 1 điểm. Còn 9 điểm là kiến thức lớp 12, đó là lợi thế cho các em. Tuy là từ câu 1 đến câu 30, đề nhẹ nhàng nhưng từ câu 40 về sau phải thật sự giỏi và có chút may mắn các em mới lấy được điểm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên tiếc là đề toán ứng dụng, toán thực tế không hay như đề năm trước.

Thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên của Trung tâm Tuyensinh247.com, đánh giá cấu trúc đề toán rõ ràng hơn năm 2018 về độ khó. Không còn tình trạng đảo lộn câu hỏi khó dễ như năm 2018. Từ câu 1 đến 30, học sinh dễ dàng hoàn thành. Từ 31 đến 40 (thông hiểu), TS có ý thức học từ đầu năm hoàn toàn có thể làm nhanh được những câu này.

Tuy nhiên, vẫn có một vài câu hỏi ví dụ như câu 34, câu 40 của mã đề 120 nên để ở phần cơ bản thì sẽ hợp lý hơn. Nhóm câu từ 41-45 (vận dụng), độ khó đã khác biệt hẳn so với 40 câu trước đó. Nhưng dạng bài lại khá quen thuộc. Ở nhóm 46-50 (vận dụng cao), để làm được những câu mà học sinh ngoài nền tảng kiến thức vững, cần thêm chút nhạy cảm toán học. Câu 49, câu 50 mã 120 cũng khá mới.

"Với kinh nghiệm luyện thi, giảng dạy, tôi đánh giá phổ điểm năm nay có thể nhích cao hơn ở mức 6-8 điểm. Đề năm nay đã giải quyết được vấn đề phân loại nhóm học sinh khá - giỏi" - thầy Chí nhận định.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ngay-thi-dau-tien-toan-van-se-nhieu-diem-kha-20190625230635211.htm