Ngày tôn vinh Tiếng Việt 8/9: Hành trình lan tỏa tình yêu ngôn ngữ Việt tại Malaysia

Với sự đồng hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam, việc lan tỏa tiếng Việt tại quốc gia Đông Nam Á này đã có những bước tiến nổi bật.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên trong lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. (Nguồn: TTXVN)

Cô giáo Nguyễn Thị Liên trong lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2024, số học sinh của lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang tăng lên cả ở hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Trong khi đó, Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học (FLL) tại Đại học Malaya (UM) luôn được duy trì với con số từ 100-140 sinh viên.

Bước sang năm thứ 8 hoạt động, lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán đã hoàn thiện hơn trong khâu tổ chức, số học sinh đã tăng lên 9 lớp với hơn 40 cháu, trong đó có 3 lớp học trực tiếp và 6 lớp trực tuyến. Với hai cô giáo thay nhau dạy 3 lớp học trực tiếp mỗi cuối tuần và 6 lớp học trực tuyến cũng đủ kín thời gian.

Nếu như năm 2023 cô giáo Nguyễn Thị Liên, chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia, được bầu chọn là một trong năm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài mang lại niềm vinh dự, niềm vui lớn cho lớp học, cho cô, cho trò thì cô giáo Nguyễn Thụy Thiên Hương cũng được tuyển chọn chính thức làm giảng viên tiếng Việt cho Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học. Tình yêu với tiếng Việt và mong muốn lan tỏa ngôn ngữ Việt tại quê hương thứ hai của hai cô giáo đã được ghi nhận xứng đáng.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Liên, cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt sẽ là kỷ niệm đẹp trong hành trình lan tỏa tiếng Việt. Cô cảm thấy có động lực và tự hào hơn khi Đảng và Nhà nước ngày càng coi trọng việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNNN), Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm giữ gìn, quảng bá và tôn vinh tiếng Việt, thu hút nhiều sự tham dự của học sinh, sinh viên, kiều bào, khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.

Năm 2023, UBNNVNNN, Bộ Ngoại giao đã phát động cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm thí sinh là người yêu tiếng Việt trên khắp thế giới. Cuộc thi xét thưởng dựa trên 3 tiêu chí: Năng lực tiếng Việt; Vốn tri thức về đất nước và con người Việt Nam; Hoạt động cộng đồng, tôn vinh và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Cô giáo Nguyễn Thụy Thiên Hương (bên trái) với các sinh viên của trường Đại học Malaya trong tiết học tìm hiểu và học viết Thư pháp Việt. (Nguồn: TTXVN)

Cô giáo Nguyễn Thụy Thiên Hương (bên trái) với các sinh viên của trường Đại học Malaya trong tiết học tìm hiểu và học viết Thư pháp Việt. (Nguồn: TTXVN)

Giáo sư Surinderpal Kaur, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học cho biết Thạc sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Thụy Thiên Hương là một giảng viên xuất sắc và có nhiều kinh nghiệm. Cô giáo đã khiến cho người Malaysia yêu mến văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Nhà trường nói chung và Khoa nói riêng rất phấn khởi khi bộ môn tiếng Việt đã được giảng dạy trở lại sau khi trường không tuyển được giáo viên phù hợp kể từ năm 2017.

Đồng quan điểm, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Malaya, Giáo sư, Tiến sĩ Yvonne Lim Ai Lian nhấn mạnh tại buổi giao lưu văn hóa Việt Nam-Malaysia: “Tại UM, chúng tôi tin rằng giáo dục không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa và lớp học. Giáo dục bao gồm sự trân trọng sâu sắc đối với các nền văn hóa đa dạng tạo nên thế giới của chúng ta, và thông qua sự trân trọng đó, chúng ta có thể xây dựng những cộng đồng mạnh mẽ và nhân ái hơn. Những sự kiện giao lưu văn hóa không chỉ là những lễ kỷ niệm, mà còn là những cơ hội quan trọng để học tập và kết nối”.

Quả thực, ngôn ngữ là văn hóa và văn hóa được thể hiện qua ngôn ngữ. Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc tìm hiểu ngôn ngữ và lan tỏa ngôn ngữ là một hành trình không thể thiếu. Việc lan tỏa ngôn ngữ Việt càng vươn xa bao nhiêu thì văn hóa Việt càng đi xa bấy nhiêu.

Bí thư thứ nhất phụ trách cộng đồng Nguyễn Bá Tân khẳng định, Đại sứ quán luôn quan tâm đến công tác cộng đồng, đặc biệt là việc hỗ trợ Câu lạc bộ tiếng Việt. Đại sứ quán luôn hỗ trợ mua giáo cụ và bản quyền học qua phần mềm zoom online để cô, trò học ổn định hơn, đồng thời hết sức tạo điều kiện ủng hộ để cô, trò học tốt, hoàn thành mọi nỗ lực để góp phần cùng với toàn Đảng, Nhà nước và toàn nhân dân trên toàn cầu duy trì bản sắc Việt, duy trì ngôn ngữ Việt ngày càng phát triển trong cộng đồng người Việt ở trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, hằng năm Đại sứ quán đều cử kiều bào yêu tiếng Việt về nước tập huấn và giảng dạy tiếng Việt.

Đại sứ quán rất tự hào khi hai cô giáo của lớp tiếng Việt đều có năng lực xuất sắc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt tại địa bàn.

Hiện tại, ngoài lớp học tại Đại sứ quán, Ban Liên lạc người Việt tại Selangor cũng đang tổ chức dạy và học tiếng Việt, thu hút hàng chục học sinh trong lứa tuổi học sinh, là con em thế hệ thứ hai và thứ ba tại địa bàn. Với tình yêu tiếng Việt và thấu hiểu vai trò của việc giảng dạy tiếng Việt tại nước ngoài, việc dạy và học tiếng Việt tại Malaysia đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam, gắn bó với quê hương, đồng thời xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.

Cộng đồng người Việt tại Malaysia có hơn 30.000 người, khoảng 30% trong số này là cô dâu Việt. Do vậy, việc giảng dạy tiếng Việt cho những thế hệ tương lai này tại Malaysia rất công phu do môi trường giáo dục hiện tại của các em là môi trường đa ngôn ngữ với việc sử dụng song song các thứ tiếng như Bahasa, Anh và tiếng Hoa.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định đồng bào và kiều bào ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của đồng bào và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hoạt động dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Tuy nhiên, ở mỗi một địa bàn khác nhau lại có một đặc trưng khác nhau. Việc tìm ra cách thức để giảng dạy thành công, khiến con em của kiều bào yêu thích văn hóa Việt, khi trở về quê hương có thể trò chuyện với ông bà chính là những nỗ lực rất lớn của hai cô giáo.

Thành công đó phần lớn được đặt trên nền tảng tình yêu với tiếng Việt, với văn hóa Việt, cùng sự đồng hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-ton-vinh-tieng-viet-89-hanh-trinh-lan-toa-tinh-yeu-ngon-ngu-viet-tai-malaysia-285440.html