Ngày về Lai Xá...

Mùa Vu lan, tôi tìm về làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Men theo con đường làng, vòng qua đình Đụn là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - nơi đang diễn ra triển lãm 'Ký ức về liệt sỹ làng Lai'.

Ký ức về những liệt sỹ của làng, qua bao nhiêu năm tháng mờ nhòe, giờ hiện ra trong cảm xúc, trí nhớ của người dân nơi đây.

Lần đầu tiên, triển lãm về những người con đã nằm lại chiến trường nhưng không đi sâu tìm hiểu chiến công của họ mà kể về sự day dứt của người còn sống khi ký ức về người thân ngày một nhạt nhòa theo năm tháng. Cũng là lần đầu tiên, triển lãm được tổ chức ở một làng quê đã gây được sự chú ý của nhiều người và truyền tải được thông điệp lớn lao.

Những câu chuyện kể

"Bà Nguyễn Thị Bích ở xóm 4 làng Lai Xá, là vợ liệt sĩ Trần Ngọc Dem. Ông Dem sinh 1944, người Campuchia. 13 tuổi ông ra Bắc theo diện học sinh miền Nam tập kết, học văn hóa lớp 9 ở Hà Tây, sau đó tham gia bộ đội tại tỉnh này thời kháng chiến chống Mỹ.

Bà Bích bùi ngùi chia sẻ: "Chúng tôi quen nhau khoảng năm 1967-1968, khi đơn vị ông ấy đóng quân ở làng Lai Xá. Quen nhau một năm là cưới, ngày 3-7 âm lịch. Năm ấy tôi 22 tuổi còn ông ấy 25. Cưới nhau chẳng được bao lâu thì ông ấy đi chiến đấu tại chiến trường Campuchia, khi ấy tôi đang mang thai người con trai duy nhất bây giờ".

Sau khi sinh con được 3 tháng, bà Bích nhận được giấy báo tử của chồng đã hy sinh tại chiến trường Campuchia.

Bà nghẹn ngào: "Nhận được giấy báo tử mà lòng tôi đau quặn, thương chồng, thương con. Nhưng nỗi đau lớn đến mấy cũng phải đối diện, phải gượng dậy để nuôi con thành người". Bà Bích đã từng lặn lội sang Campuchia tìm mộ chồng nhưng vẫn chưa tìm thấy mộ. Bức ảnh cưới của ông bà chụp 1969 tại làng Lai Xá là báu vật mà bà Bích gìn giữ và trân trọng cả cuộc đời".

Rất nhiều nước mắt đã rơi trong không gian trưng bày triển lãm "Ký ức về liệt sỹ làng Lai".

Rất nhiều nước mắt đã rơi trong không gian trưng bày triển lãm "Ký ức về liệt sỹ làng Lai".

Đó là trang ghi chép chi tiết và đầy xúc động về một trong gần 50 liệt sĩ của làng Lai của nhóm sinh viên khoa Quản lý di sản - Đại học Văn hóa Hà Nội trong những ngày đi tìm hiểu về các liệt sĩ để chuẩn bị cho triển lãm "Ký ức về liệt sỹ làng Lai".

Dưới sự định hướng, chỉ dẫn của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ba bạn trẻ Lý Thu Thảo, Bùi Thanh Thúy và Nguyễn Phương Nhung đã không tiếc thời gian và công sức tìm hiểu về cuộc đời của các liệt sĩ làng Lai qua câu chuyện kể của người dân trong làng.

Trong cái nắng hè oi ả những ngày tháng 5, tháng 6, nhóm sinh viên đến từng gia đình liệt sĩ để sưu tầm những câu chuyện, những kỉ vật quý giá. Chính những hoạt động này đã tạo nên sợi dây kết nối người dân trong làng. Người làng truyền tai nhau rằng nhóm bạn trẻ đang làm một điều rất ý nghĩa, cần được ủng hộ, sẻ chia. Một không khí buồn nhớ người đã hi sinh, trân trọng quá khứ bao trùm làng Lai Xá những ngày qua.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bạn trẻ Lý Thu Thảo thực sự thấy tiếc nuối và day dứt khi kí ức về những liệt sĩ ngày càng mờ nhòe theo năm tháng. Làng có đến hơn 50 liệt sĩ đã chiến đấu và hi sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều trường hợp chỉ còn lưu lại được cái tên. Những ngày triển lãm diễn ra, Thảo và các bạn được chứng kiến cảnh tất cả người dân trong làng đều đến tham quan triển lãm. Họ đứng tần ngần trước mỗi di ảnh, kể về những người đã khuất.

20 gương mặt liệt sĩ được trưng bày kia với họ đều thân thuộc, gần gũi, là chồng, là con, là họ hàng, là người làng của quê hương Lai Xá. Những giọt nước mắt tuôn rơi, những giọng kể nghẹn ngào. Người dân của làng trở đi trở lại bảo tàng, ngắm đi ngắm lại 20 gương mặt, kể đi kể lại những câu chuyện đã xảy ra từ lâu lắm. Nỗi nhớ khó có thể xua tan trong những ngày này ở làng Lai…

Cửa sổ kí ức

Bác Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là người làng Lai. Những ngày này khi triển lãm "Ký ức về liệt sỹ làng Lai" đang diễn ra, bác luôn có mặt ở Bảo tàng để đón khách đến tham quan. Mái tóc bạc trắng, giọng nói trầm ấm, sôi nổi, bác kể cho chúng tôi nghe những ngày gấp rút thi công các hạng mục trưng bày triển lãm. Ánh mắt của người thương binh ánh lên niềm vui, niềm xúc động khi mong mỏi của bác và người dân trong làng đã thành hiện thực. Triển lãm với lối trình bày mới lạ, công phu, những tư liệu chân thực, cô đọng về những liệt sĩ của làng đã chạm đến trái tim người xem. Điều đặc biệt của triển lãm nằm ở khâu xử lý ảnh các liệt sĩ. Mặc dù người Lai Xá có nghề gia truyền về chụp ảnh, sửa ảnh, phục chế ảnh đã hơn một trăm năm nay, nhưng tất cả ảnh liệt sĩ trưng bày lần này đều không qua chỉnh sửa, với mong muốn bảo lưu những bức ảnh đã ố màu theo thời gian. Tất cả ảnh, thư từ và nhiều hiện vật như mũ, áo của các liệt sĩ đều được giữ nguyên trạng, đưa đến cái nhìn chân thực và cảm động về người đã khuất.

Lần đầu tiên, người dân làng Lai kể về những ký ức chất chứa trong tâm trí họ bao nhiêu năm qua. Lần đầu tiên, họ thấy câu chuyện của gia đình mình được thể hiện đầy sáng tạo trong một triển lãm thu hút sự quan tâm của xã hội. Mỗi câu chuyện liệt sĩ được gói gọn trong một "cửa sổ kí ức" bằng gỗ nâu.

Mở những cánh cửa sổ, người xem được tham gia vào câu chuyện của mỗi liệt sĩ thông qua câu chuyện của người thân, qua những bức ảnh quý giá, những lá thư, câu nói, ước muốn, mốc thời gian... Không gian trưng bày không lớn, nhưng những gương mặt liệt sĩ và kí ức về họ đủ chạm tới trái tim và tâm trí, trở thành nỗi ám ảnh, day dứt của những người còn sống hôm nay.

Bức ảnh cưới của vợ chồng bà Bích - ông Dem được bà giữ gìn như báu vật của cuộc đời.

Bức ảnh cưới của vợ chồng bà Bích - ông Dem được bà giữ gìn như báu vật của cuộc đời.

Có lẽ sau cuộc triển lãm này, người dân trong làng sẽ biết nâng niu, gìn giữ những kỉ niệm, kỉ vật về người đã khuất cũng như những gì thuộc về truyền thống của gia đình, dòng họ. Và điều quan trọng, kí ức về những người liệt sĩ luôn ám ảnh, đeo đuổi và nhắc nhở những người đang sống hôm nay hãy sống xứng đáng với sự hi sinh của cha anh.

Khơi mở những tâm tư

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - người đề ra ý tưởng về cuộc triển lãm "Ký ức về liệt sỹ làng Lai" cũng là người con của quê hương Lai Xá. Trong câu chuyện cùng ông, chúng tôi thật sự xúc động trước những băn khoăn, trăn trở của một học giả lớn về việc làm sống dậy những bảo tàng, đưa bảo tàng trở thành nơi lưu dấu và sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Chọn câu chuyện về liệt sĩ của làng Lai Xá đúng thời điểm kỉ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, triển lãm đã khơi mở được rất nhiều tâm tư của và thu hút được sự quan tâm của các thế hệ người dân trong làng.

Những kí ức về liệt sĩ vô cùng sâu đậm nhưng cũng thật mong manh. Sâu đậm trong tâm trí của những người cha người mẹ, người vợ luôn khắc khoải một dáng hình, một tiếng nói, gương mặt và những kỉ niệm buồn vui của người đã khuất.

Những ông bố bà mẹ nhớ ngày tiễn con lên đường đi chiến đấu, những bức thư con viết về báo tin chiến thắng trên các mặt trận, nhớ nét chữ của con, nhớ lời lẽ trong thư, lúc tếu táo, khi gần gụi tình cảm. Những kí ức đậm sâu đó, họ mang theo cả khối trong tim khi đi về cõi khác.

Nhưng đến thế hệ những người em, người con, người cháu sau này, hình ảnh đó phai mờ dần. Bởi rất nhiều người con của làng đi bộ đội và hi sinh khi tuổi vừa mười chín, đôi mươi, khi những người em còn nhỏ dại, chỉ nhớ mặt anh mình qua tấm hình đen trắng ố màu thời gian, khi người con chưa kịp biết mặt cha…

Thêm nữa, những kỉ vật của các liệt sĩ lưu lại cho đến hôm nay vô cùng ít ỏi. Những tấm ảnh thờ hoen ố, rất nhiều thư từ họ gửi về từ chiến trường nay đã thất lạc hoặc mục nát. Nhiều gia đình vì quá thương nhớ con đã đốt đi những kỉ vật để chôn sâu nỗi nhớ.

Để có được thông tin về các liệt sĩ làng Lai, không chỉ là việc tìm hiểu kí ức người dân trong làng, mà còn là sự kết nối với những người dân ở xa Tổ quốc, như trường hợp liệt sĩ Phạm Văn Uy (1941-1972).

Là một trong những người lính nghĩa vụ đầu tiên của cả nước, Phạm Văn Uy từng học Trường Sĩ quan pháo binh, tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Sau đó, anh được điều động sang Trường Sĩ quan cao xạ tên lửa trong những ngày đầu Trường thành lập.

Tháng 4-1971, anh được biệt phái theo đoàn sĩ quan 17 người của Quân chủng Phòng không không quân vào khảo sát cách đánh B52 trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Ngày 15-5-1972, anh bị trúng bom bi và hy sinh. Chiếc balô cùng cuốn sổ ghi chép và những bức ảnh của liệt sĩ được chuyển về cho gia đình, đặt trang trọng trên bàn thờ trong suốt nhiều năm. Em trai liệt sĩ là anh Phạm Cường luôn trăn trở khi kỉ vật của người anh bị mục nát theo thời gian.

Bởi vậy khi sang Đức sinh sống và làm việc, người em trai đã mang theo chiếc balo ấy để có điều kiện bảo quản tốt hơn. Khi biết thông tin có cuộc triển lãm, anh Cường đã gửi ảnh và thư của anh mình qua email để trưng bày triển lãm.

Trên đất nước này, làng quê nào cũng có những người con nằm lại chiến trường. Nhưng một thực tế là kí ức về họ ngày càng mờ nhạt. Vậy nên, triển lãm "Ký ức về liệt sỹ làng Lai" như một sự cấp báo về thực trạng đó, nhưng cũng như một sự tiên phong trên hành trình gắn kết những người còn sống và tri ân những người đã hi sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, triển lãm ở làng Lai đã truyền đi thông điệp, đó là ngay từ lúc này, cộng đồng hãy cùng nhau ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian. Hãy sưu tầm, lưu giữ thật tốt những tấm ảnh quý về các liệt sĩ nói riêng và về gia đình nói chung.

Và mong sao, từ làng Lai, sẽ còn có nhiều làng quê khác tổ chức được những hoạt động triển lãm tại các nhà văn hóa thôn, xã để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/ngay-ve-lai-xa-557925/