Ngày xuân và nỗi niềm của những nghệ sĩ làm thầy
Đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của sân khấu TP HCM và cả nước, những nghệ sĩ làm thầy đã bày tỏ nỗi niềm đầu xuân về trọng trách ươm mầm cho vườn hoa nghệ thuật.
65 năm theo nghề diễn viên và hơn 45 năm đứng trên bục giảng, NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng năm nay, ngành giáo dục về nghệ thuật được đặt trước nhiều thử thách. Học viên từ các lò đào tạo cho đến Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM sau thời gian học online đã bắt đầu bước vào học trực tiếp. Thách thức lớn nhất vẫn là sau khi tốt nghiệp, họ tồn tại, dấn thân vào nghề và làm nghệ thuật chuyên nghiệp như thế nào.
"Sự rơi rụng theo quá trình sàng lọc ngày nay khắc khe hơn, nhìn diện mạo "trăm hoa đua nở" từ các lò dạy nghề sẽ nhận thấy hiệu quả và chất lượng đào tạo cho một diễn viên trẻ đủ sức bước vào nghề như thế nào. Việc học trong vài tháng để bước lên sân khấu khác với học có hệ thống, có giáo trình. Vì thế, nhìn thấy thì dễ nhưng để bền vững, gắn bó lâu dài là một lỗ hổng lớn" - NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận.
Nhà giáo ưu tú Đoàn Mạnh Dung trước Tết đã hoàn thành vai chính ở tuổi 83 trong phim ngắn "Mậu" của đạo diễn trẻ Bá Quốc Vĩnh. Có nhiều dịp đóng phim cùng các thế hệ học trò, ông đã góp ý dù đang là đạo diễn hay là diễn viên, cách diễn xuất chân thật và phân tích tâm lý nhân vật phải bám sát đời sống thực tế.
"Bất cứ ý kiến nào cũng phải hết sức tế nhị, chứ không thể áp đặt ý muốn người thầy trên bục giảng, vì đó là phim trường, là thực tế mà học trò đang trải nghiệm. Ngày nay, lỗ hổng lớn nhất chính là diễn viên lười đọc sách, chỉ thích lướt mạng để xem YouTube nhưng lại thiếu chọn lọc, nên giữa những bài học tích cực lẫn tiêu cực, nếu không biết dừng lại trong việc chọn "thức ăn" để "tiêu hóa" tốt cho việc cảm thụ nghệ thuật thì xem như lỗ hổng ngày càng lớn" - nhà giáo ưu tú Đoàn Mạnh Dung nêu lên nỗi niềm.
Về giải pháp cho vấn đề nan giải này, ông gợi ý: "TP HCM có đường sách quá chuẩn, các nhà sách lại nỗ lực cung cấp nhiều đầu sách hay. Khắc phục tình trạng lười đọc của giới trẻ làm nghệ thuật, tôi gợi mở cách để các em tiếp cận với việc nghe, nhìn một cách có chọn lọc. Dần dà, các em sẽ khắc phục được và áp dụng những gì đã trải nghiệm".
Nghệ sĩ Bạch Long đã có hơn 40 năm gắn bó với sân khấu và bục giảng. Từ khi còn là thành viên Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ đến lúc ra mắt đoàn đồng ấu mang tên mình, ông luôn cố gắng truyền đạt đến các học trò nghề diễn. Nhiều người trong đó đã thành đạt như: NSƯT Vũ Luân, NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Tú Sương, NSƯT Thy Trang, NS Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh, Chấn Cường… Đó là niềm an ủi, khích lệ tinh thần và là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ làm thầy.
"Sân khấu xã hội hóa về nghệ thuật cải lương chưa có nhiều rạp để diễn viên trẻ cống hiến cho nghệ thuật. Nhiều em sau các khóa học đã bỏ nghề, chuyển sang nghề nghiệp khác khiến tôi rất đau lòng. Mong nhà nước quan tâm đến vấn đề này để tạo điểm diễn cho lực lượng trẻ phát huy sáng tạo. Có học thì phải có nơi để thực hành" - nghệ sĩ Bạch Long bày tỏ.
Với NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng - người có trên 30 năm giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam - nghề giảng dạy nghệ thuật rất khó nhọc, bởi giữa vô vàn phương tiện giải trí hiện nay, để khán giả chọn sân khấu mà đến xem thì đòi hỏi người diễn viên phải rất đặc biệt.
NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh: "Do đó, tôi không chỉ dạy cho học trò những kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi mỗi em phải tự rèn nhân cách, hoàn thiện hơn để tìm ra sự khác biệt trong nghề. Có như thế mới thu hút khán giả đến rạp".
Với NSND Hồng Vân, từ khi tham gia giảng dạy và mở lò đào tạo, bà chú tâm đến việc trang bị cho diễn viên nhiều cách thức làm nghề, từ việc diễn xuất trước ống kính đến tham gia game show, chương trình truyền hình thực tế để hoàn thiện mỗi vai diễn. Trên hết, bà mời các nghệ sĩ giỏi nghề cùng về đứng lớp như: NSND Việt Anh, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Hạnh Thúy, Hữu Nghĩa, Đại Nghĩa, Thanh Thủy, Trung Dũng…
"Các học viên sau khi học lớp trung cấp sẽ được tuyển vào lớp nâng cao. Qua từng khóa học, các em đã phát huy được năng khiếu, tham gia nhiều vở diễn. Vừa qua, các em tham gia phần lớn trong 3 vở dự liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tổ chức tại TP HCM. Từ đó, tình cảm thầy trò càng gắn bó hơn nữa" - NSND Hồng Vân bày tỏ.