Nghệ An: Nhiều mô hình sinh kế 'đuổi' cái nghèo cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Hàng ngàn hội viên hội phụ nữ ở vùng cao Nghệ An đang dần thoát nghèo bền vững nhờ những mô hình sinh kế 'sát sườn' từ sự đồng hành, hỗ trợ của các chương trình, dự án chính sách của Nhà nước và của đội ngũ cán bộ các cấp hội phụ nữ.
Đào tạo việc làm sát sườn với người dân bản
Để người dân dần phát triển kinh tế ngoài việc trồng keo, làm rẫy theo mùa vụ phải có thêm một nghề khác để lúc nông nhàn họ có thể tận dụng hết thời gian.
Bởi vậy, UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) đưa ra nhiều mô hình để phát triển kinh tế cho người dân. Đặc biệt là hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (hai xã tái định cư của Thủy điện bản Vẽ). Từ đó, những lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Thanh Chương phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức cho người dân nơi đây.
Chị Lô Thị Dung (bản Thanh Hòa, xã Thanh Sơn) vui nói, việc học nghề dệt thổ cẩm vô cùng ý nghĩa. Ngoài những lúc lên nương rẫy, chị có thêm nghề dệt, tạo nguồn thu nhập ổn định từ công việc này. "Lúc nông nhàn, mình tranh thủ dệt thổ cẩm. Ban đầu hơi khó nhưng làm nhiều rồi quen. Vừa giữ gìn nghề truyền thống, vừa có việc làm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống", chị Dung tâm sự.
Ngoài huyện Thanh Chương, huyện Anh Sơn cũng có nhiều mô hình để phát triển kinh tế cho người dân. Đó là đào tạo nghề và tập huấn kỹ năng sản xuất. Việc này khiến hàng trăm phụ nữ ở các xã trên địa bàn huyện được đào tạo nghề, được hướng dẫn các phương pháp sản xuất nên sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng được nâng lên.
Cụ thể, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 3 lớp học nghề may công nghiệp, 2 lớp học dệt thổ cẩm cho 60 hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc 2 xã Bình Sơn và Thành Sơn, 1 lớp dạy nghề nấu ăn cho 35 hội viên phụ nữ thị trấn, 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà. Cũng từ học nghề này, nhiều phụ nữ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nghề, vốn sống và có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hoạt động đào tạo nghề để tạo việc làm đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp hội phụ nữ ở Nghệ An. Chỉ tính riêng năm 2022, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với Sở Công Thương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp, các doanh nghiệp tại các địa phương, trung tâm Khuyến công, khuyến nông - khuyến ngư mở các lớp dạy nghề và giới thiệu tham gia học nghề tại các cơ sở khác cho 14.133 lao động nữ.
Các nghề thu hút sự tham gia của nhiều hội viên phụ nữ như kỹ thuật may công nghiệp, kỹ thuật chế biến ăn uống, kỹ thuật chăn nuôi, mây tre đan, thổ cẩm, kỹ thuật trồng nấm. Từ đó, đã có 11.023 lao động có việc làm với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, hội phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn, giới thiệu việc làm cho 8.869 lao động nữ trên địa bàn đi làm tại các công ty may mặc, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn và xuất khẩu lao động.
Thông qua những chương trình, hoạt động hiệu quả trên, phụ nữ Nghệ An, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào DTTS đã tìm cho mình một sinh kế thoát nghèo bền vững. Góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của các địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Mô hình sinh kế bền vững
Nghệ An với nhiều đặc thù riêng, là địa phương có diện tích lớn, địa hình phức tạp với nhiều dân tộc sinh sống. Bởi vật, nhiều mô hình mới, hay sát sườn với từng vùng, từng dân tộc đã phát triển hiệu quả như: Mô hình Hợp tác, tổ hợp tác dệt thổ cẩm; Mô hình du lịch cộng đồng; Tổ hợp tác nấu rượu men lá; Tổ hợp tác trồng cây dược liệu địa phương; Mô hình nuôi lợn đen, gà đen, vịt bầu; Ngân hàng bò; Mô hình trồng sắn, ngô cao sản, gừng...
Huyện Con Cuông thành công với mô hình rượu men lá bản Xiềng, xã Đôn Phục do chị em làm chủ thu hút hàng chục hội viên tham gia. Từ sự trăn trở với nghề truyền thống, trăn trở với kế sách mưu sinh. Định hướng của cấp ủy chính quyền, của hội phụ nữ xã, chị em phụ nữ bản Xiềng đã thành lập các tổ nấu rượu cho thu nhập khá. Làng có 3 tổ nấu rượu tập trung tại 3 hộ gia đình, luôn có 30 - 40 lao động.
Bà Vi Thị Hồng, Tổ trưởng Tổ nấu rượu men lá bản Xiềng cho hay: "Với công suất bình quân khoảng 200 - 300 lít rượu/ngày, mỗi tháng tiêu thụ bình quân 6.000 - 7.000 lít, mang lại thu nhập bình quân mỗi lao động làng nghề 18 triệu đồng/người/năm".
Ngoài các mô hình hiệu quả, các cấp hội còn quan tâm hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi hoàn thiện và hiện thực hóa. Nổi bật như ý tưởng "Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm" của HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban xanh huyện Kỳ Sơn đạt giải cuộc thi cấp Trung ương; Các ý tưởng đạt giải cuộc thi cấp tỉnh như ý tưởng "HTX Dược liệu Tâm My" Quế Phong; ý tưởng "Tạo vườn ghen cây dược liệu" của Quế Phong. "THT trồng ngô sinh khối" tại Tương Dương, ý tưởng "Phát triển rượu men lá và nếp cẩm truyền thống", ý tưởng "Phát triển du lịch cộng đồng" ý tưởng "THT Mây tre đan" tại địa bàn huyện Con Cuông…
Thông qua việc triển khai hiệu quả các ý tưởng khởi nghiệp, đã giúp bà con vùng dân tộc thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm tạo nên các mô hình hay, hiệu quả để thu hút đông đảo bà con tham gia.
Chị Lô Thị Mai, Trưởng nhóm dệt bản Na, xã Hữu Lậm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ, HTX vẫn giữ cách làm truyền thống để mang lại những sản phẩm mộc mạc, giản dị đúng như tinh thần truyền nối bao đời nay của cha ông mình. Các sản phẩm đều có quy trình từ việc các chị em cùng nhau trồng dâu nuôi tằm, trồng lanh để làm vùng nguyên liệu. Vào rừng tìm thảo mộc nhuộm màu, lên khung dệt vải hay quây quầy những lúc nông nhàn để cùng nhau thêu hoa văn, hoàn thiện sản phẩm dệt thủ công mang đậm bản sắc. Những sản phẩm này rất được ưa chuộng trên thị trường.
Hội LHPN tỉnh Nghệ An nhận mạnh, những hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ vươn lên đẩy đuổi đói nghèo bằng những mô hình sinh kế những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, năm 2022 đã có 30.740 hộ có phụ nữ nghèo, cận nghèo được Hội giúp đỡ. Đáng chú ý, đã có hơn 1.100 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo.