Nghề chạm khắc bạc của người mông Sa Pa

Trải qua hàng trăm năm, người Mông dưới chân núi Hoàng Liên vẫn gìn giữ nghề chạm khắc bạc truyền thống của dân tộc mình. Với người bản địa, trang sức làm bằng bạc là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần. Bởi vậy, các sản phẩm trang sức cũng trở nên độc đáo, tinh tế và thể hiện bàn tay điệu nghệ của người thợ chạm khắc bạc.

Ông Lù A Quả là nghệ nhân cao tuổi nhất ở thị xã Sa Pa vẫn giữ được nghề chạm bạc của người Mông. Hơn 40 năm nay, các sản phẩm trang sức bạc đều được ông Quả làm hoàn toàn thủ công. Công cụ chế tác vì thế cũng đa dạng từ bễ thổi, khuôn đúc đến các loại dụng cụ đục chạm hoa văn. Tuy nhiên, theo ông Quả để sản phẩm có chất lượng tốt thì yếu tố đầu tiên là phải chọn được nguyên liệu bạc tinh khiết.

Để làm ra một món đồ trang sức phải trải qua nhiều công đoạn chế tác , t ừ nung bạc, đổ khuôn, chế tác hình dạng rồi cuối cùng mới đến chạm khắc hoa văn. Các chi tiết trên trang sức được chạm khắc tinh xảo nên đòi hỏi ở người thợ phải có sự khéo léo và hết sức tinh tế.

Đồ trang sức bạc của người Mông khá phong phú về chủng loại như nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ . Người đồng bào thường đeo nhiều trang sức, nhất là trong các dịp lễ, Tết hoặc công việc trọng đại của gia đình. Còn với du khách thì những món đồ trang sức chở thành món quà đầy ý nghĩa gửi tặng người thân và gia đình. Điều này đòi hỏi việc bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống này hết sức quan trọng.

Nghề chạm khắc bạc là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự phát triển về kỹ thuật và nghệ thuật kim hoàn tinh xảo của người Mông ở Sa Pa. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thực hiện : Vũ Thắng Hồng Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghe-cham-khac-bac-cua-nguoi-mong-sa-pa