Nghề chăn nuôi đối mặt nhiều thách thức

Lợi thế là tỉnh nông nghiệp, có nhiều diện tích đất giồng cát, triền giồng là điều kiện phát triển luân canh nhiều vụ hoa màu trong năm. Vì vậy phụ phẩm trong nông nghiệp góp phần đáng kể giúp nông dân trong tỉnh tập trung ưu tiên phát triển đàn bò.

Xem bài 1

Xem bài 2

Bài cuối: Thực trạng và giải pháp

Nông dân Kim Oanh Thi (phải), ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang mua rơm dự trữ nuôi bò.

Nông dân Kim Oanh Thi (phải), ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang mua rơm dự trữ nuôi bò.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đặc điểm về vị trí, địa lý, đất đai, nguồn nhân lực và các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi. Từ năm 2015 - 2020, chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển với tổng đàn gia súc 561.500 con, tăng 30.980 con; đàn gia cầm 7,5 triệu con, tăng hơn 03 triệu con so năm 2015, chuyển từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn; nâng cao chất lượng con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, kỹ thuật nuôi; nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Tuy nhiên 100% hộ thuộc chăn nuôi cá thể, nhỏ lẻ chịu tác động lớn của thị trường. Trong khi đó, diện tích sản xuất lúa ngày càng thu hẹp dần nên rơm ngày càng khan hiếm dẫn đến giá của loại thức ăn này gia tăng. Mặt khác điều kiện tự nhiên của tỉnh không thuận tiện để phát triển đồng cỏ chăn thả; người nuôi chưa quan tâm đến cân đối khẩu phần dinh dưỡng nên thời gian nuôi bò thường kéo dài, trọng lượng thấp, chất lượng thịt không cao.

Bên cạnh đó, hộ nuôi chưa ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa chủ động tiêm vắc-xin phòng cho đàn vật nuôi nên dịch bệnh vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân. Trà Vinh chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi. Sản phẩm đầu ra đơn điệu, không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa có liên kết chuỗi chăn nuôi. Khả năng cạnh tranh thị trường sản phẩm chăn nuôi thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Hiện nay Trà Vinh đang tồn tại các điểm yếu phát triển không bền vững về năng suất, giá, chất lượng một số giống vật nuôi thấp, hình thức tổ chức sản xuất còn manh mún, bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh, tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn diễn ra, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập quán chăn nuôi lạc hậu, khó thay đổi, chất lượng con giống ở một số địa phương còn chưa theo kịp xu thế phát triển chăn nuôi chung của tỉnh.

Về cách thức tổ chức chăn nuôi, thiếu liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Thiếu thông tin khoa học - kỹ thuật mới trong chăn nuôi, về hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi bò nhỏ lẻ chưa chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, còn trong chờ vào Nhà nước, chưa tự giác khai báo khi phát hiện dịch bệnh để giúp cơ quan hữu quan có biện pháp ứng phó kịp thời. Giá trên thị trường biến động liên tục gây bất ổn đầu ra sản phẩm. Tốc độ phát triển đàn bò chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, quy mô chăn nuôi còn ở dạng nhỏ lẻ, việc đầu tư chuồng trại ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi còn chậm.

Do diện tích đồng cỏ chăn thả tự nhiên bị thu hẹp, tình hình thời tiết phức tạp do biến đổi khí hậu, dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục… vẫn chưa được kiểm soát triệt để đang là những khó khăn hạn chế sự phát triển của đàn bò sinh sản, bò thịt trong vùng. Tuy nhiên những năm qua, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động trồng cỏ thâm canh, nhiều mô hình nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo được triển khai mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 22.165ha đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản và có trên 3.052ha đất mía chuyển sang trồng màu, lúa, dừa, cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò và nuôi thủy sản.

Điển hình như nông dân Kim Oanh Thi, ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang đã có kinh nghiệm nuôi bò sinh sản hơn 10 năm qua cho biết: trước đây, nghề nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 06 con bê, thu nhập gần 100 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại gia đình rất muốn tăng đàn nhưng gần đây giá bò giảm, lại không bố trí diện tích trồng cỏ cho bò nên gia đình hiện nay chỉ duy trì 12 con bò mẹ và bò con.

Thực tế giá bò vẫn ở mức thấp, trong khi thức ăn chưa giảm, nhất là giá rơm khoảng hơn tháng trước tăng lên đến 35.000 - 40.000 đồng/cuộn. Mặc dù hiện nay giá rơm giảm xuống còn 20.000 - 30.000 đồng/cuộn, nhưng với giá bò vẫn giảm sâu, người nuôi giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Hàng năm ngoài việc tận dụng 1,5ha đất trồng lúa 03 vụ/năm và 0,3ha đất trồng cỏ, ông đầu tư mua thêm 900 - 1.000 cuộn rơm dự trữ phục vụ 12 con bò. So với vật nuôi khác, tuy giá giảm nhưng nhờ lấy công làm lời và tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, người nuôi vẫn có lợi nhuận. Vừa qua ông xuất bán 04 con bê với số tiền 40 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc, lợi nhuận 20 triệu đồng.

Hay nông dân Thạch Sương, ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang từ hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghề làm thuê tích lũy nuôi bò sinh sản. Theo ông Sương, có thời điểm gia đình nuôi gần 10 con, đầu ra ổn định giá bò tăng cao, lợi nhuận đạt 70 - 80 triệu đồng/năm. Khi tích lũy được vốn ông mua đất canh tác lúa, đậu phộng vừa có thêm thu nhập vừa có nguồn phụ phẩm thay đổi khẩu phần ăn cho bò. Nhờ vậy gia đình ông có điều kiện ổn định cuộc sống. Gần đây do tiêu thụ khó giá bán thấp nên ông duy trì 04 con bò sinh sản.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang: nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đồng bộ và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, xã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Điều đáng mừng là người dân đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, góp công, hiến đất cùng chính quyền địa phương XDNTM.

Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Giá bò giảm thực sự đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đồng thời cân đối lại cơ cấu đàn vật nuôi có tỷ lệ thích hợp giữa bò sinh sản và bò thịt thương phẩm;

Chú trọng công tác quản lý giống, trước hết đối với con giống, nguồn tinh, giống bố mẹ đảm bảo cung cấp con giống chất lượng tốt, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình nuôi bò có năng suất, chất lượng cao phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi của tỉnh nói chung, nghề nuôi bò nói riêng đã và đang gặp nhiều khó khăn vì sự biến động của giá thị trường, trong khi đó, giá thịt thương phẩm bán trên thị trường vẫn ở mức cao. Với những khó khăn và thách thức trên, để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2030 đạt 350.000 con bò, 700.000 con heo, 05 triệu con gà theo Quyết định số 2695/QĐ-UBND, ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh Trà Vinh là rất khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao của các sở, ngành tỉnh và toàn xã hội.

Trước mắt, tỉnh từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại xa khu dân cư; khuyến khích hỗ trợ người nuôi ứng dụng kỹ thuật công nghệ nuôi tiên tiến, tổ chức lại sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, chất lượng, giá thức ăn, thuốc thú y xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/bai-cuoi-nghe-chan-nuoi-doi-mat-nhieu-thach-thuc-29185.html