Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh – điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Năm 45 tuổi, thầy mo Bùi Văn Minh (SN 1970) ở xóm Mận Bùi, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Ông trở thành người đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh là người đảm đương thực hành các nghi lễ tín ngưỡng tại lễ hội Đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn).

Ngôi nhà sàn cổ nằm dưới chân núi Khụ Khênh sừng sững là nơi sinh sống, gắn bó với ông Bùi Văn Minh từ thời thơ ấu. Đây cũng là không gian được ông trưng bày và tự hào giới thiệu các hiện vật cổ do ông cất công sưu tầm suốt cả quá trình. Có gần 1.000 hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản từ đồ dùng bằng đá cho đến các vật dụng cổ của người Mường. Đáng chú ý nhất có dàn chiêng Mường, bộ lịch Khao Roi của người Mường và một số hiện vật khác, như: dao, kiếm, khộng, nồi đồng, thau đồng, xeng căng…

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh tâm sự: Từ khi 15 tuổi, tôi đã bắt đầu tìm kiếm, sưu tầm hiện vật cổ, hiện vật quý hiếm của người Mường ở các khu vực hang động quanh vùng Mường Vang. Với niềm đam mê và nhận thức sâu sắc trong việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tôi đã đi khắp 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) để mua lại với mục đích sưu tầm. Trong số các hiện vật đang trưng bày tại nhà sàn cổ, có nhiều hiện vật được xem là "độc nhất vô nhị” như: ấm nước của bà Hà Thị Tẻo, hoa khôi xứ Mường, con nuôi của Chánh quan lang Quách Vị; kiếm của vua Khải Định; bộ chiêng Mường 40 chiếc có từ thời nhà Trần; viên đá phát sáng… Đây cũng là những hiện vật vô giá góp phần định hình bề dày lịch sử văn hóa mang nét độc đáo của người Mường và xứ Mường Hòa Bình.

Cũng trong ngần ấy thời gian, ông Minh được truyền nghề thầy Mo từ cha ông, trở thành người nắm giữ, thực hành loại hình di sản văn hóa phi vật thể tập quán và tín ngưỡng mo Mường. Đặc biệt, ông là người đóng góp lớn trong việc sáng lập câu lạc bộ Mo Mường huyện Lạc Sơn, quy tụ gần 50 nghệ nhân. Cùng với các thành viên khác, ông thường xuyên tự bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện để có đầy đủ kiến thức về văn hóa, lý luận chính trị, tư tưởng cách mạng và tư duy khoa học, tích cực sưu tầm các bài diễn xướng để truyền dạy cho các thầy mo trẻ.

Bản thân ông dành nhiều thời gian tham gia các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa trong trường học với tâm huyết giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Quan tâm đến dự sinh hoạt cùng học sinh nhà trường, ông thường động viên, nói chuyện chuyên sâu về văn hóa dân tộc Mường, đóng góp ý kiến về các buổi trình diễn trang phục Mường, hát dân ca, trình tấu nhạc cụ dân tộc Mường; hướng dẫn các bài sắc bùa, giới thiệu bộ lịch Khao Đoi… Với ông, việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa cho con em là vô cùng cần thiết, gắn với công tác giáo dục trong nhà trường, đồng thời xuất phát từ tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc giúp bồi đắp, hun đúc cho lớp trẻ hiện nay biết chọn lọc, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trước nhiều luồng văn hóa ngoại lai.

Theo đồng chí Trần Công Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Sơn, với gần 40 năm miệt mài sưu tầm hiện vật, truyền dạy di sản, cống hiến vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW), Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh là niềm tự hào của những người con đất Mường, xứng đáng nêu gương để mọi người học tập, làm theo.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/176496/nghe-nhan-nhan-dan-bui-van-minh--dien-hinh-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong,-dao-duc,-ph111ng-cach-ho-chi-minh.htm