Nghề nuôi ong ở Chư Nghé

Đó là chuyện của mấy chục năm về trước ở thị tứ Chư Nghé, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Anh Trần Văn Huynh-một người bạn của tôi-kể: Năm 1995, anh rời Hà Nam vào Ia Grai lập nghiệp.

Chính tại đây, anh làm quen với một công việc mới, giúp anh ổn định cuộc sống và có của ăn của để. Năm 1997, được người bà con hướng dẫn, anh chuyển từ trồng cà phê sang nuôi ong bởi vùng này bạt ngàn cao su, cà phê và nhiều loại cây có hoa là nguồn thức ăn vô tận cho ong. Thời gian đầu, anh nuôi 20 đàn, sau đó nhân lên xấp xỉ 1.000 đàn.

Trong vùng còn có anh Lê Văn Dân vào nghề này sớm hơn anh Huynh 2 năm. Anh Dân quê ở Hải Dương vào Chư Nghé tìm việc làm. Sau một thời gian tìm hiểu, anh đã chọn nghề nuôi ong thay vì trồng cà phê như những người dân khác trong vùng.

Anh Dân bảo: Không làm thì thôi, làm rồi say lắm, thu được bao nhiêu lại tái đầu tư phát triển đàn. Có năm, anh đã sở hữu đàn ong lên đến con số ngàn, đồng thời còn sắm cả xe ô tô tải để vận chuyển ong và sản phẩm. Nghề nào, nghiệp nấy. Đối với nghề nuôi ong, cái khổ cũng chính là niềm vui. Ấy là được chứng kiến nếp sống hết sức quy củ của đàn ong, theo dõi đàn ong phát triển và được sinh hoạt giữa thiên nhiên.

Mùa ong hút mật, để tiện việc chăm sóc đàn ong, người nuôi ong thường đi theo đàn, dựng lều giữa rừng cây, trong lều có đủ mọi dụng cụ phục vụ sinh hoạt, thậm chí có cả ti vi nữa. Đàn ong đi đến đâu, dựng lều trại theo đến đấy.

Nghề nuôi ong đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở Gia Lai. Ảnh: Mai Ka

Mùa khô không phải lo cái ăn cho đàn ong, bởi Tây Nguyên vốn dồi dào nguồn mật, phấn hoa. Do đó, một mùa thu hoạch mật kéo dài đến mấy vụ liền. Vụ đầu tiên là vào cuối tháng 8 âm lịch, khi cây mì cho thu hoạch, thường kéo dài trong 2 tháng. Vụ thứ hai là mùa ra hoa của cây cỏ lào, khoảng 20 ngày. Vụ thứ ba vào tầm tháng 11. Đây là vụ thu hoạch chính trong năm, thường chia thành nhiều đợt. Đợt thứ nhất khi lá cao su tiết mật ở lá già (mặt dưới của lá) khoảng 1 tháng; đợt tiếp theo vào mùa hoa cà phê 1-2 tháng, sau đó gối vụ là điều, lá cao su non (khe lá) khoảng 2,5 tháng, rồi lại đến lá cao su tái sinh (tán 2).

Nhiều hộ nuôi ong ở Chư Nghé sau mùa này còn di chuyển đàn ong vào các tỉnh phía Nam hoặc ra Bắc cho ong hút mật tràm, mật hoa nhãn, vải thiều...

Huyện Ia Grai có quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa và thảm thực vật phong phú, trong đó có hàng chục ngàn ha cao su, cà phê và nhiều loại cây, hoa màu khác. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Người dân trong vùng có nguyện vọng được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Tuy nhiên bấy giờ, các cơ sở nuôi ong ở địa phương cũng còn nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm chưa kịp thời chế biến nên chất lượng mật ong không đồng đều. Năm 2006, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu”.

Dự án bắt đầu triển khai vào năm 2007 và đã hoàn thành vào cuối năm 2009 với 6 mô hình trại nuôi ong Ý tại xã Ia Krái và 1 cơ sở tinh lọc mật ong xuất khẩu công suất 1.000 tấn/năm tại huyện Đức Cơ; đào tạo kỹ thuật viên cho cơ sở và tổ chức các lớp tập huấn. Các hộ tham gia dự án có ít nhất 3 năm kinh nghiệm nuôi ong như gia đình anh Trần Văn Huynh, Lê Văn Dân...

Dự án đã chuyển giao 6 quy trình công nghệ; đào tạo 15 kỹ thuật viên cơ sở; mở 2 lớp tập huấn cho 80 người tham gia; đồng thời, chuyển giao 6 mô hình nuôi ong giống cho 6 hộ ở xã Ia Krái, giao 300 đàn ong giống gốc (tương đương 15.000 cầu) và nhân rộng mô hình cho 15 hộ khác trong vùng. Cùng với đó, nhà máy hạ thủy phần mật ong tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) đi vào vận hành, xuất mật sang thị trường châu Âu. Ngay từ năm 2009, anh Lê Văn Dân đã thành lập Công ty TNHH Nuôi và xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai.

Nghề nuôi và chế biến mật ong xuất khẩu tại Chư Nghé năm nào đến nay đã phát triển rộng và trở thành sản phẩm OCOP, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 1.000 tấn sản phẩm, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, đồng thời mang lại đời sống ấm no cho người dân nơi đây. Khi có dịp lên đây, nhìn những đàn ong bay hút mật khắp vườn cà phê vào mùa ra hoa, các bạn đừng lấy làm ngạc nhiên bởi đó là đàn ong nhà nuôi đấy.

THANH PHONG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-nuoi-ong-o-chu-nghe-post296625.html