Nghề phụ...

Gọi là nghề phụ nhưng đã có một quãng thời gian dài, nghề phụ là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Nghề giúp bố mẹ có tiền để cho chị em tôi đi học.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Quê tôi vẫn được ngợi ca là vùng đất khoa bảng, khi xưa có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Ngày nhỏ, tôi thường nghe bà nội kể, trước đây ở quê tôi, đàn ông chăm chỉ đèn sách, phụ nữ giỏi nghề cửi canh, dệt vải. Nghề dệt vải của làng tôi thậm chí còn đi vào thơ ca.

Vậy nhưng, vào thời chúng tôi thì nghề dệt đã mai một nhiều. Nó chỉ còn được các bà, các mẹ nhắc nhớ như một hoài niệm đẹp! Thay vào đó, nghề đan lát, mây tre đan được người làng tiếp nhận. Trước đó, đây vốn là nghề truyền thống của người dân xã bên cạnh. Đến quãng những năm 90 của thế kỷ trước, thì nghề bắt đầu phát triển ở quê tôi.

Thuở ấy, cũng như nhiều gia đình nông dân trong làng, ngoài mấy sào ruộng thì gia đình tôi cũng không có thu nhập gì khác. Cuộc sống vì thế mà nhiều nỗi khó khăn. Sau khoảng hơn tuần đi học nghề, mẹ tôi theo người làng ra chợ, bắt đầu mua vầu (họ nhà tre luồng), mua mây... về đan lát

Khi ấy, sản phẩm chính người làng tôi làm là rá, rổ. Nghề này, thoạt nhìn tưởng khó, nhưng bắt tay vào học, biết làm lại thấy đơn giản. Chỉ cần người làm chăm chỉ, cần mẫn sẽ ra sản phẩm.

Dĩ nhiên, để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh thì cần đến nhiều công đoạn. Buổi sáng mỗi ngày, mẹ đi chợ thật sớm để mua nguyên liệu, về nhà pha, chẻ rồi phơi khô. Để buổi chiều, mấy chị em tôi sẽ đan thành những chiếc “mê” nhiều kích cỡ. Tối đến, bố sẽ lên khuôn và mẹ sẽ dùng những sợi mây buộc lại cho thật đẹp - gọi là “nức” để hoàn thành sản phẩm. Và sáng hôm sau, toàn bộ hàng sẽ được mẹ mang sang nhập cho chủ thu mua. Với tiền hàng bán được, mẹ lại vào chợ mua nguyên liệu, mua đồ ăn, mua những chiếc bánh thật ngon về cho chị em chúng tôi.

Ngày ấy, chị em tôi buổi sáng đến trường, buổi chiều ở nhà cùng bố mẹ đan lát. Không phải làm cho vui, mà làm để cho ra sản phẩm. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm hoàn thành một công đoạn, không ai được lười nhác.

Ví như, nếu mẹ tôi không chẻ nan, chúng tôi sẽ không thể đan, nếu chị em tôi không đan, bố sẽ không có cái để lên khuôn. Và như vậy, mẹ lại không thể hoàn thiện sản phẩm vào tối muộn. Cũng có nghĩa, hôm sau sẽ không có hàng mang đi bán - cũng đồng nghĩa chẳng có tiền mang về trang trải cuộc sống gia đình.

Khi đó, chúng tôi vẫn đến trường, vẫn đi học đều mỗi ngày và vẫn có thể đan lát. Trong khả năng của mình, ai cũng chăm chỉ làm việc. Không chỉ riêng chị em tôi, hầu hết những đứa trẻ trong làng khi ấy đều chăm chỉ làm việc. Đáng nói, sản phẩm bọn trẻ chúng tôi làm ra cũng được người lớn “tính công” một cách xứng đáng. Và số tiền kiếm được, hoặc là sẽ bỏ lợn cho đầu năm học mới, hoặc sẽ được dồn lại dùng vào những việc cần thiết. Được tự tay kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, hết thảy chúng tôi khi đó đều quý trọng.

Nghề đan lát mây tre đan không quá vất vả, thậm chí nó còn được xem như là một nghề “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Cũng phải, nghề này bất kể nắng mưa, đều có thể ngồi trong nhà mà làm. Cũng không phân biệt tuổi tác, người lớn, trẻ con, người già... ai cũng có thể làm nghề. Có điều, nghề này nếu không chăm chỉ, không cần mẫn thì không thể ra sản phẩm.

Người dân quê tôi vẫn gọi đan lát mây tre đan là nghề phụ, nhưng với những gia đình như nhà tôi, nghề phụ đã mang lại thu nhập chính. Tôi không rõ, nếu không có nghề này, biết đâu bố tôi đã phải bươn chải vào Nam, ra Bắc làm thuê như nhiều người. Hay mẹ tôi, một người phụ nữ vốn không thạo buôn bán, có lẽ đã phải ngày ngày chạy chợ... Chí ít, nhờ có nghề mà suốt những năm tháng tuổi thơ đến khi chị em tôi trưởng thành, gia đình vẫn có thể quây quần bên nhau, chia sẻ những ngọt bùi. Và cũng nhờ có nghề phụ, mà bố mẹ đã có tiền để cho chị em tôi vào đại học.

So với thời chúng tôi còn nhỏ, nghề phụ ở quê tôi giờ có phần trầm lắng hơn. Dù nhu cầu thị trường với sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ vẫn lớn, nhưng người dân quê tôi thì đã có nhiều hơn những sự lựa chọn công việc. Làm công nhân cho các công ty, chí ít thu nhập cũng cao hơn. Ngay cả trẻ con, giờ đây cũng không còn ngồi đan lát như chúng tôi thuở trước nữa, bởi phần nhiều trong chúng phải tối ngày dành thời gian cho việc học.

Dẫu vậy, với những người đã có tuổi, người già như bố mẹ tôi thì vẫn cần mẫn gắn bó với nghề. Mẹ thường bảo, trước đây cặm cụi tối ngày làm nghề vì thu nhập, để bữa cơm của gia đình có thêm cá, thịt, để các con có tiền đóng học. Giờ đây vẫn làm nghề, vì đó là niềm vui và để thấy mình vẫn còn có ích...

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nghe-phu-33251.htm