Những ngọn đồi trồng keo ở huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thọ Xuân... (Thanh Hóa) đang trong vụ thu hoạch sau 5-7 năm trồng.
Để thu hoạch gỗ keo, thương lái ngoài thuê máy móc mở đường, còn phải thuê từng nhóm người dân địa phương đến cưa, bóc vỏ và vận chuyển lên xe.
Cây gỗ keo khi khai thác sẽ được chia làm hai loại: Keo gỗ và keo tạp. Phần gỗ là phần gốc cây có đường kính lớn, thương lái sẽ gom để bán cho các nhà máy giấy. Phần gỗ tạp sẽ được cắt nhỏ bán cho những điểm đốt than với giá rẻ hơn.
Anh Hùng (huyện Thạch Thành) cho biết thu hoạch keo không theo mùa mà khi nào keo đủ năm khai thác, các chủ vườn keo mới gọi bán. "Công việc thu hoạch keo rất vất vả. Nếu mua được những đồi keo sát đường, đi lại dễ dàng, sẽ giảm bớt chi phí nhân công, vận chuyển. Còn những vườn keo ở khu vực khó đi lại, muốn khai thác phải mở đường để xe chuyên chở vào nơi gần nhất và thuê khoảng 10 nhân công cưa cắt, bốc vác", anh nói.
Công việc khai thác keo nằm sâu trong rừng, vất vả và nhiều nguy hiểm chỉ hợp cho cánh đàn ông nhưng với những người phụ nữ ở xã Trí Nang (huyện Lang Chánh), đây trở thành nghề gắn bó nhiều năm nay. Ngoài việc đồng áng, nương rẫy, đa phần những người phụ nữ ở xã miền núi này đều đi bốc vác gỗ keo thuê.
Mỗi nhóm khai thác thuê keo thường có 2 tay máy cưa cây và 10 người bốc, vận chuyển keo ra xe. Cây keo khi khai thác được cắt thành từng đoạn dài 1-2 m để dễ dàng vận chuyển, sắp lên xe.
Bà Hà Thị Huấn (46 tuổi, trú xã Trí Nang) cho biết do không có nhiều ruộng và nương rẫy nên vợ chồng bà nhiều năm theo nghề bốc vác thuê gỗ keo.
"Gia đình tôi làm nghề nông nhưng cũng chỉ có gần 3 sào lúa nước và ít nương rẫy nên hai vợ chồng gắn bó thêm với nghề bốc gỗ keo thuê nhiều năm nay. Nghề này vất vả, thu nhập chỉ 200.000 đồng/ngày nhưng phần nào hỗ trợ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học", bà Huấn nói.
Với những người làm nghề thu hoạch keo thuê thì việc trầy xước tay, vai hay giẫm phải gai, té ngã chảy máu là chuyện thường. Có lúc bốc gỗ lên xe tải, gỗ rơi trúng chân, trúng người là không hiếm.
Nhiều người còn không may mắn gặp tai nạn khi đi bốc gỗ keo đến đứt ngón tay. Trao đổi với Zing, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang, cho biết xã có 5 thôn bản với hơn 2.700 hộ dân.
Khai thác gỗ keo diễn ra cả ngày, có lúc đến tận đêm mới xong nên với những "phu keo" này việc nghỉ ngơi, ăn uống trên đồi là điều quen thuộc.
"Do địa bàn vùng núi nên xã chỉ có khoảng 50 ha trồng lúa và nương rẫy, trong khi có hơn 900 ha đất đồi trồng keo, hơn 250 ha tre luồng. Người dân địa phương ngoài làm nông nghiệp thì bốc vác keo thuê là nghề gắn bó, mang lại nguồn thu nhất định cho họ", ông Hùng nói.
Trước đó, vào tối 22/3, một ôtô chở keo lao vào vách núi trên đèo Bả Vai (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) làm 7 người bốc vác thuê gỗ keo ngồi trên xe tử vong.
Theo người dân địa phương, vị trí xảy ra tai nạn trên đèo Bả Vai là khúc cua dốc, hẹp, xung quanh không có người dân sinh sống. Vụ tai nạn càng thể hiện sự vất vả, nguy hiểm của nghề "phu keo".
Phạm Trường