Nghị định 08: Chỉ là giải pháp tình thế?

Bên cạnh việc đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu đơn lẻ, mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 08 sửa đổi một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp giảm một phần áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại nảy sinh không ít vướng mắc.

Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với trái chủ, tức là người sở hữu trái phiếu, có thể giãn, hoãn thời trả nợ tối đa 2 năm, với tỷ lệ đồng thuận từ 65% trở lên. Hoặc, trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không có khả năng chi trả theo nghĩa vụ, có thể thỏa thuận hoán đổi nợ bằng tài sản khác như bất động sản, cổ phiếu …

Dù quy định mới tạo cơ hội cho phía doanh nghiệp xoay xở, nhưng phía trái chủ vẫn còn nhiều băn khoăn.

Trái chủ băn khoăn như vậy nên không dễ để đạt được tỷ lệ đồng thuận của 65% trái chủ cho việc gia hạn trả nợ trái phiếu. Với các doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực lớn đáo hạn thì quy định mới cho phép hoán đổi nợ lấy bất động sản cũng khó khả thi.

Theo các chuyên gia, với nhóm trái phiếu bất động sản, cơ quan quản lý cần có biện pháp giải quyết gốc rễ các vướng mắc như tính pháp lý hay định giá dự án bất động sản. Khi đó, trái chủ mới yên tâm chấp nhận hoán đổi thanh toán trái phiếu bằng bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng, các phương án tháo gỡ như Nghị định 08 chỉ là giải pháp tình thế và còn rất nhiều vấn đề để có thể khả thi. Do đó, để ổn định tâm lý của các nhà đầu tư, chính các doanh nghiệp cần nỗ lực chủ động phương án cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về phía người sở hữu trái phiếu, nên có sự cầu thị, chia sẻ trong đàm phán để có thể cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính trước mắt. Trường hợp quá hạn thanh toán trái phiếu 3 tháng sau cam kết, các trái chủ có thể khởi kiện.

Sự trầm lắng của thị trường trái phiếu đều xuất phát từ yếu tố niềm tin. Và để khôi phục lại niềm tin vào thị trường sẽ cần thêm thời gian. Cơ quan quản lý sẽ cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để giúp thị trường minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành cũng như của nhà đầu tư trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Điều quan trọng nhất của Chính phủ lúc này vẫn là cần ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Bởi có như vậy doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, qua đó sẽ có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga -

Diệu Huyền -

Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghi-dinh-08-chi-la-giai-phap-tinh-the-186086.htm