Nghị định số 55/2023/NĐ-CP: Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công
Ngày 21/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (NCCVCM). Phóng viên (PV) Báo Long An trao đổi với Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo về những nội dung xoay quanh NĐ này.
PV: NĐ số 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ khi nào và sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCCVCM như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tảo: NĐ số 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2023. NĐ này quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCCVCM, thân nhân của NCCVCM và các chế độ ưu đãi đối với NCCVCM từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCCVCM tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với NCCVCM và thân nhân của NCCVCM được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo NĐ số 55/2023/NĐ-CP.
Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo NĐ số 55/2023/NĐ-CP. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo NĐ số 55/2023/NĐ-CP.
Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với NCCVCM và thân nhân NCCVCM được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo NĐ số 55/2023/NĐ-CP. Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: Từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 1 năm, dưới 6 tháng được tính là 6 tháng. Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm đó.
PV: Đối tượng nào được tăng tiền trợ cấp NCCVCM, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tảo: Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với NCCVCM và thân nhân của NCCVCM được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo NĐ số 55/2023/NĐ-CP, gồm 11 đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và thân nhân; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và thân nhân; thân nhân liệt sĩ (LS); Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B và thân nhân; bệnh binh và thân nhân; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; NCC giúp đỡ cách mạng; trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi theo học tại các cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đối với NCC và thân nhân.
PV: Ông cho biết cụ thể hơn về việc thay đổi mức hưởng trợ cấp đối với người hoạt động Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thân nhân cũng như mức hưởng trợ cấp đối với thân nhân LS?
Ông Đặng Ngọc Tảo:
* Về mức hưởng trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và thân nhân:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945:
+ Diện thoát ly: Trợ cấp tăng từ 1,815 triệu đồng/tháng lên mức 2,297 triệu đồng/tháng. Phụ cấp tăng từ 308.000 đồng/01 thâm niên lên 390.000 đồng/01 thâm niên.
+ Diện không thoát ly: Tăng từ 3,081 triệu đồng/tháng lên mức 3,899 triệu đồng/tháng.
- Đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 từ trần:
+ Đối với vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: Tăng từ 1,624 triệu đồng/tháng lên mức 2,055 triệu đồng/tháng.
+ Đối với vợ hoặc chồng sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng: Tăng từ 1,299 triệu đồng/tháng lên mức 1,644 triệu đồng/tháng.
* Đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và thân nhân:
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: Tăng từ 1,679 triệu đồng/tháng lên 2,125 triệu đồng/tháng.
- Thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 từ trần:
+ Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: Tăng từ 911.000 đồng/tháng lên mức 1,153 triệu đồng/tháng.
+ Vợ hoặc chồng sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng: Tăng từ 1,299 triệu đồng/tháng lên mức 1,644 triệu đồng/tháng.
* Mức hưởng trợ cấp đối với thân nhân LS:
- Đối với thân nhân của 1 LS: Tăng từ 1,624 triệu đồng/tháng lên mức 2,055 triệu đồng/tháng.
- Đối với thân nhân của 2 LS: Tăng từ 3,248 triệu đồng/tháng lên mức 4,110 triệu đồng/tháng.
- Đối với thân nhân của 3 LS trở lên: Tăng từ 4,872 triệu đồng/tháng lên mức 6,165 triệu đồng/tháng.
- Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi LS, vợ hoặc chồng LS sống cô đơn; con LS chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng mồ côi cả cha mẹ thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng: Tăng từ 1,299 triệu đồng/tháng lên mức 1,644 triệu đồng/tháng.
- Đối với vợ hoặc chồng LS lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con LS đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ LS khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ khi còn sống: Tăng từ 1,624 triệu đồng/tháng lên mức 2,055 triệu đồng/tháng.
PV: Mức trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và NCC giúp đỡ cách mạng thay đổi như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tảo: Mức trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Trợ cấp tăng từ 4,872 triệu đồng/tháng lên mức 6,165 triệu đồng/tháng. Phụ cấp tăng từ 1,361 triệu đồng/tháng lên mức 1,722 triệu đồng/tháng.
- Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình: Tăng từ 1,624 triệu đồng/tháng lên mức 2,055 triệu đồng/tháng.
- Mức trợ cấp đối với NCC giúp đỡ cách mạng:
+ Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được hưởng trợ cấp hàng tháng: Tăng từ 1,624 triệu đồng/tháng lên mức 2,055 triệu đồng/tháng.
+ Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến được hưởng trợ cấp hàng tháng: Tăng từ 955.000 đồng/tháng lên 1,208 triệu đồng/tháng.
+ Trường hợp người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến sống cô đơn thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng: Tăng từ 1,299 triệu đồng/tháng lên mức 1,644 triệu đồng/tháng.
PV: Thưa ông, chế độ tặng quà đối với các cơ sở nuôi dưỡng NCC, NCC và gia đình NCC được quy định như thế nào?
Ông Đặng Ngọc Tảo: NĐ quy định mức quà tặng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với tập thể: Tiền mặt là 5 triệu đồng/tập thể, hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể; mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt 1 triệu đồng/gia đình hoặc cá nhân, hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
Quà tặng của lãnh đạo bộ, cơ quan Trung ương: Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt 3 triệu đồng/tập thể; hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể. Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt 1 triệu đồng/gia đình hoặc cá nhân, hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
PV: Xin cảm ơn ông!./.