Nghị quyết 128/NQ-CP: Xoay chuyển cục diện

Sau khi ban hành Nghị quyết 128, Chính phủ còn ban hành nhiều chính sách khác nhằm nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều sinh viên, học sinh trường nghề năm cuối tại TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm phù hợp. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Nhiều sinh viên, học sinh trường nghề năm cuối tại TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm phù hợp. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” sau 1 năm triển khai đã mở ra "cửa sáng", giúp Việt Nam chuyển từ việc phòng chống dịch bệnh sang "thích ứng an toàn, linh hoạt", tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân, doanh nghiệp được phục hồi.

Chị Hoàng Thị Nụ, công nhân lao động tại khu công nghiệp Thanh Oai - Hà Nội, với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng, đủ để chị chi tiêu hàng ngày và dành dụm một khoản nhỏ.

Dịch bệnh COVID-19 khiến công ty của chị đang làm gặp khó khăn, nhưng từ năm 2021 đến nay, khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết 128, chuyển từ chống dịch sang nhanh chóng tiêm phòng và thích ứng với dịch bệnh, công ty cũng có nhiều đơn hàng hơn, những chị em công nhân trong công ty có nhiều việc, đồng lương được đảm bảo.

"Trước đó, khi thực hiện giãn cách, công nhân phải làm việc 3 tại chỗ, đơn hàng cũng sụt giảm khiến cho đồng lương cũng bấp bênh. Nhưng từ khi nhà nước triển khai mở cửa hơn, ngoài đơn hàng dồi dào, người lao động cũng được nhà nước hỗ trợ tiền thuê trọ mức 1,5 triệu đồng cho 3 tháng bằng hình thức chuyển khoản. Đây là sự hỗ trợ rất thiết thực và trực tiếp với người lao động", chị Nụ cho hay.

Cục diện thay đổi khi Việt Nam chuyển đổi từ phòng, chống dịch bệnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Điều đặc biệt là Chính phủ luôn đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng của người dân trên hết, trước hết với các giải pháp chống dịch rất khoa học và phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt, doanh nghiệp được mở cửa sản xuất, người lao động có việc làm.

Đặc biệt, sau khi ban hành Nghị quyết 128, Chính phủ còn ban hành nhiều chính sách khác nhằm nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động như chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nghị quyết số 128/NQ- CP đã xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ luôn chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế; điều hành hiệu quả, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới bất định.

Với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai đúng thời điểm trong thời gian qua đã đưa nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh.

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/ NQ-CP, ngày 11/10/ 2021 có ý nghĩa rất quan trọng trong chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, đã xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty SKD Việt Nam cho hay, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu, việc xuất khẩu, kết nối khách hàng cũng trục trặc.

Bên cạnh đó, tình trạng người lao động lo ngại dịch bệnh, giãn cách không thể đi làm khiến việc sản xuất bị đình trệ. Song từ cuối năm 2021, với chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, doanh nghiệp thực sự như được "tái sinh", giai đoạn khó khăn trước đó qua đi. Công ty có đơn hàng, người lao động có việc làm và thu nhập.

Cùng quan điểm trên, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, dịch bệnh khiến cho phần lớn doanh nghiệp trong ngành sản xuất cơ khí gặp khó khăn, khi nguồn nguyên liệu bị đứt gãy, đơn hàng giảm sút. Tuy nhiên, cuối năm 2021 và 2022 này, với các quyết sách của Chính phủ trong phòng chống dịch tại

Nông dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước thu hoạch táo trồng trong mô hình nhà lưới. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nông dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước thu hoạch táo trồng trong mô hình nhà lưới. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nghị quyết 128 đã tạo sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời. Với Nghị quyết này, Việt Nam đã mở cửa trở lại bình thường, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện tiêm phủ vaccine tới toàn dân, để chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh và mở cửa phục hồi nền kinh tế.

Nhờ đó, kinh tế trong nước, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và thích ứng với tình hình mới, đơn hàng dồi dào, sản xuất trở lại. Cũng nhờ có Nghị quyết 128, thích ứng, mà nhiều triển lãm ngành, như Triển lãm quốc tế về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục tài nguyên khoáng sản và Xây dựng, cơ khí được diễn ra, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp trong ngành..., ông Long nói.

Kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua ghi nhận sự tươi sáng. Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn do áp lực từ sụt giảm nhu cầu, lạm phát từ các thị trường xuất khẩu, song với kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo đạt tăng trưởng 6,5% hay 7%, thậm chí cao hơn và CPI được giữ ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Nghị quyết 128 ban hành ở thời điểm tháng 10/2021 là rất phù hợp, vừa cởi trói được nền kinh tế, vừa bảo đảm được an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Nhìn lại 9 tháng qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có GDP tăng trưởng khả quan. Trong 3 tháng còn lại của năm nay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đã đề ra trong cả năm 2022.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay trên thế giới vô cùng phức tạp và khó lường. Vì thế, Việt Nam không thể lơ là, thiếu chủ động. Từ bây giờ cho đến cuối năm, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chìm trong khủng hoảng; trong đó có những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ có khả năng đi vào suy thoái nên Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo tăng trưởng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sách tài khóa đã có những giải pháp rất tích cực để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã đưa ra gói 350 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế (trong đó có gói dành 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp thuộc các nhóm đối tượng được hưởng).

Tuy nhiên, chính sách tài khóa với gói hỗ trợ này, cũng như giải ngân đầu tư công cần được triển khai tích cực hơn nữa. Một điểm nhấn nữa cần tiếp tục thực hiện là cải cách mạnh mẽ hơn, từ đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công, góp phần giúp các ngành sản xuất phát triển.

Ông Đào Phan Long cũng cho rằng, trong những tháng còn lại của năm, vấn đề cần ưu tiên là thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhanh hơn. Thời gian vừa qua, nhiều giải pháp, gói hỗ trợ được đưa ra, bao gồm cả về lãi suất, vay vốn,...chưa đến được tay doanh nghiệp.

Cùng đó, các bộ ngành cải cách mạnh mẽ, trách nhiệm hơn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công các dự án cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đây sẽ là động lực để các lĩnh vực có đầu ra...

Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, các thể chế, chính sách, điều hành… của Chính phủ suốt thời gian qua, giúp doanh nghiệp sớm mở cửa sản xuất, chuyển đổi linh hoạt. Dù vậy, thời gian tới, cần hơn nữa các chính sách hỗ trợ thiết thực, triển khai kịp thời, đầy đủ. Các chính sách của nhà nước là rất tốt, nhưng việc thực thi chính sách càng cần tốt hơn nữa, để tạo đà cho doanh nghiệp.../.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nghi-quyet-128-nq-cp-xoay-chuyen-cuc-dien/261663.html