Nghĩ từ câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo trong đêm giao thừa
Từ câu chuyện kể về việc Bác đi thăm, chúc Tết các gia đình nghèo đêm giao thừa cho thấy Bác hiểu lòng dân, lo cho dân biết nhường nào…
Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì
Bác Hồ khi giữ cương vị Chủ tịch nước thường có một thói quen vào đêm giao thừa, sáng mồng một Tết là đi thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí nhân dịp năm mới. Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), Bác đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín ở ngõ 16 phố Lý Thái Tổ - một con phố nằm ngay ở quận trung tâm thành phố. Nhà chị ở sâu trong một ngõ hẻm chật hẹp, nhà cửa tuềnh toàng như quán chợ.
Chồng chị đã mất từ lâu, để lại cho chị đàn con thơ dại 3 trai, 2 gái. Chị phải đi làm công nhật, gặp việc gì, làm việc đó để nuôi 5 đứa con. Sắp đến giao thừa mà chị vẫn tranh thủ đi gánh nước thuê, bổ củi để lấy tiền mua gạo cho con.
Khi Bác bước vào nhà, chị Tín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bỗng rơi khỏi vai chị. Đôi thùng sắt gieo xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác Hồ, Bác Hồ!”, rồi chạy lại quanh Bác. Lúc này chị Tín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm chầm lấy Bác mà khóc. Chị nói: “Những người như cháu không ngờ được Bác đến thăm”.
Chờ cho chị bớt xúc động, Bác nói: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai? Bác nhìn chị Tín và các cháu một cách trìu mến và hỏi về công việc, về tình hình gia đình. Bác tỏ ý hài lòng khi biết dù hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm, bữa cháo nhưng chị Tín vẫn cố gắng cho các con đi học. Bà con trong xóm tới quây quần trước sân, ai nấy đều xúc động vì được Bác đến thăm, Bác an ủi, động viên mọi người đoàn kết, thương yêu nhau vượt qua khó khăn.
Trên đường về Phủ Chủ tịch, đôi mắt Bác đượm buồn. Bác nói với đồng chí lãnh đạo Hà Nội cùng đi: Muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người đặc biệt khó khăn.
Bác thường vẫn bảo: Làm cho một vài người có cuộc sống đẩy đủ, sung sướng thì không khó. Nhưng lo cho toàn dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, mỗi người thêm một thước vải để may quần áo, mỗi bữa thêm một chút thức ăn, mỗi làng có trường học, trạm xá là cả một công việc lớn của Đảng và Chính phủ.
Đó chỉ là một trong muôn vàn chuyện kể về việc Bác đi thăm, chúc Tết các gia đình nghèo, cho thấy Bác hiểu lòng dân, lo cho dân biết nhường nào…
Câu chuyện đã để lại một bài học sâu sắc về nhân sinh đó là: Lãnh tụ của dân thì phải đồng cảm với cuộc sống của dân, trách nhiệm cao nhất của người lãnh đạo là biết lo cơm ăn, áo mặc hàng ngày của dân.
Bác cũng từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Những ngày thành lập Chính phủ - chính thể Dân chủ cộng hòa, Bác nói: “Chúng ta phải làm ngay: làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.
Công bằng không phải là chia đều
Khắc sâu lời dạy của Bác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác thường xuyên đi về với nhân dân mỗi khi Tết đến, xuân về, nhất là các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa... Đó cũng chính là biểu hiện của việc học tập phong cách, ứng xử văn hóa của Bác cũng như tinh thần, trách nhiệm của người lãnh đạo chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ đối với nhân dân.
Đất nước ta đổi mới đến nay gần 35 năm. Công cuộc đổi mới do chính Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thu được rất nhiều thành tựu to lớn để có được diện mạo Việt Nam như ngày hôm nay. Trong sự nghiệp đổi mới đó, những nhận thức mới của Đảng dần dần hình thành, trong đó có câu chuyện về vấn đề phân phối.
Trước đây, thời kỳ chưa đổi mới, chúng ta nhầm tưởng cứ chia đều là công bằng thì bây giờ nhận thức đó đã thay đổi. Bởi chia đều là tạo ra một thứ bình quân thì không có động lực cho sự phát triển. Người giỏi, người chăm, người có nhiều cống hiến mà chỉ được hưởng như những người bình thường khác, thậm chí cả những kẻ lười biếng thì sẽ mất động lực phát triển. Vô hình trung, tư duy kiểu đó khuyến khích cho thói ỷ lại, ký sinh vào Nhà nước.
Từ đổi mới trở đi, Đảng ta nhận thức rõ công bằng xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là một giá trị để phấn đấu, vươn tới, đó là mục tiêu của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội. Nhưng công bằng không phải là chia đều. Mà công bằng ở đây là công bằng phân phối theo lao động, tức là theo kết quả lao động của từng người và khả năng đóng góp của từng người trong xã hội. Còn những đối tượng yếu thế trong xã hội thì Đảng và Nhà nước có hệ thống chính sách an sinh để bù đắp lại.
Song điều sâu xa, căn bản nhất đó là không chỉ cân bằng trong phân phối mà công bằng về cơ hội phát triển. Công cuộc đổi mới mở ra một môi trường xã hội cho tất cả mọi thành viên, không có sự phân biệt, ai cũng có điều kiện, cơ hội để phát triển miễn là có sức lao động, có trách nhiệm với chính bản thân và xã hội.
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một thông điệp: “Chúng ta cùng tiếp tục hành động, cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng chính là công bằng về cơ hội phát triển; thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với nhân dân, đồng thời khích lệ về tinh thần và vật chất để mọi người vươn tới cuộc sống tốt hơn bằng chính lao động của mình. Đảng, Nhà nước tạo mọi cơ hội, mọi điều kiện để ai ai cũng có thể phát triển, để kéo cả cộng đồng đi lên- không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là yếu tố nhân văn, là tình cảm nhân đạo chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước dành cho nhân dân.
Chúng ta học tập Bác “lời nói phải đi đôi với việc làm”, do đó, phải chuyển từ nhận thức sang hành động. Chúng ta có Ngân hàng Chính sách xã hội, các đợt đưa thanh niên, trí thức về vùng sâu, vùng xa để giúp đồng bào từng bước vươn lên trong cuộc sống, giải quyết được công ăn việc làm, hạn chế thất nghiệp, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo. Một điểm nữa là cần phải làm cho mọi người có cơ hội để phát triển bằng cách chuyển động nhận thức của xã hội và bản thân mỗi người cũng phải tự vươn lên, xóa đói giảm nghèo, rồi giảm nghèo bền vững, dần dần nâng đời sống vật chất, tinh thần của mọi người lên mức độ khá.
Trong đó, phải rất chú trọng tới cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, mình vươn lên không chỉ cho bản thân mà cần phải nhìn những người xung quanh. Vì sao chúng ta có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân? Bởi vì kinh tế tư nhân hiện nay trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp rất nhiều cho lợi ích chung của xã hội. Trong sự phát triển này, chúng ta khuyến khích làm giàu hợp pháp, tuân thủ pháp luật, từng bước giảm nghèo bền vững.
Chúng ta tin, chủ trương đúng đó của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống, ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, tạo ra động lực cho tất cả người dân từ đồng bằng tới miền núi, từ miền xuôi tới miền ngược, trong đó phải rất quan tâm tới đối tượng ưu tiên, chính sách cho người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng./.