Nghịch cảnh trong nhà nóng hơn bên ngoài của mùa hè kỷ lục

Nhiệt độ vượt kỷ lục trong vài năm gần đây đang phá vỡ quan niệm sai lầm ở Mỹ rằng chỉ riêng điều hòa không khí đã đủ đảm bảo an toàn cho con người, theo Guardian.

 Nhiều người ở Mỹ đã tin rằng dù nắng nóng tới đâu, miễn họ có máy lạnh thì mọi chuyện sẽ ổn. Tuy nhiên, niềm tin này đang trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Ảnh: New York Times.

Nhiều người ở Mỹ đã tin rằng dù nắng nóng tới đâu, miễn họ có máy lạnh thì mọi chuyện sẽ ổn. Tuy nhiên, niềm tin này đang trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Ảnh: New York Times.

Bà Gloria Gellot, 79 tuổi, cẩn thận ngồi vào chiếc ghế trong bếp trước chiếc máy điều hòa không khí duy nhất của mình và xoa bóp đầu gối.

Bà treo một tấm vải ở ngưỡng cửa để giữ không khí mát mẻ trong nhà bếp và kéo rèm để ngăn ánh nắng Mặt Trời - vốn đã chói chang vào tháng 5 - lọt vào căn hộ trên tầng hai của bà ở New Orleans. Ngôi nhà của bà đã bị hư hại nặng nề do cơn bão Ida vào năm 2021 và hơi nóng xuyên qua những bức tường đã quá cũ.

“Tất cả sức nóng dồn vào đây”, bà nói. “Tôi không cần phải ra ngoài trời nắng. Ngồi trong nhà tôi cũng rám nắng rồi”.

Máy lạnh thôi là chưa đủ

Căn hộ ngột ngạt của bà Gellot không chỉ khó chịu, nó còn có những nguy cơ đáng lo ngại khác. Thương tích do nhiệt không chỉ xảy ra ở những cánh đồng ngập nắng - những người cao tuổi như bà Gellot - sống một mình và không thể thoát khỏi sự ngột ngạt, ở những căn hộ cách nhiệt kém - nằm trong số những người có nguy cơ cao nhất.

Sự hiểu biết thông thường và chính sách công từ lâu đã hoạt động dựa trên giả định rằng dù nắng nóng có tệ đến đâu, điều hòa không khí vẫn đủ để giữ an toàn cho mọi người. Nhưng những năm gần đây nhiệt độ phá kỷ lục đang phá vỡ quan niệm đó.

“Bản thân môi trường trong nhà thực sự có thể là một rủi ro đáng kể”, Jaime Madrigano, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết. “Chúng tôi nhận thấy trong những đợt nắng nóng cực độ, nguy cơ với những người ở trong nhà lớn hơn ở những nơi khác”.

Những ngôi nhà bị bão tàn phá như của bà Gellot thiếu lớp cách nhiệt thích hợp. Lưới điện bị gián đoạn và ngừng hoạt động trong thời gian nhu cầu sử dụng năng lượng lên cao. Và nhiều hệ thống làm mát đơn giản là không đủ mạnh để chống chọi với tình trạng nắng nóng ngày càng tăng. Một số chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo về mối đe dọa sắp xảy ra của “Heat Katrina” - nắng nóng gây nguy cơ cao. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái mô hình hóa tình trạng mất điện liên quan đến sóng nhiệt ở các thành phố khác nhau cho thấy mất điện kéo dài hai ngày ở Phoenix có thể dẫn hậu quả đáng cảnh báo về sức khỏe.

Mùa hè năm ngoái, Madrigano đã dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu đặt cảm biến nhiệt độ trong phòng ngủ của 70 tình nguyện viên ở khu dân cư có thu nhập thấp của bà Gellot, chủ yếu là khu Black Ninth Ward. Cô nói: Giữa mùa hè nóng nhất từ trước đến nay của New Orleans, “khoảng một phần tư số đo (trung bình) của chúng tôi vượt quá 80F (26,6 độ C)”. Khoảng một nửa số ngôi nhà vượt quá 80F vào một thời điểm nào đó trong ngày.

Không có tiêu chuẩn duy nhất về nhiệt độ trong nhà an toàn. Tuy nhiên, với mỗi mức độ tăng nhiệt độ, những người tham gia nghiên cứu có nhiều triệu chứng bệnh nhiệt hơn: chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, suy nhược và mệt mỏi.

“Trong nhà gần như nóng hơn bên ngoài”, một người tham gia nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô vẫn phải trả hóa đơn tiền điện 800 USD. Một người tham gia khác mô tả là “bị choáng ngợp” và phải tắm để giữ mát.

“Tôi có thể thấy mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào trong những năm tới”, anh nói thêm.

Nhà nghiên cứu Madrigano cho biết hầu hết người tham gia nghiên cứu, như bà Gellot, đều có máy điều hòa không khí. “Thoạt nhìn thì có vẻ tuyệt vời”, cô nói, nhưng điều đó tiết lộ rằng điều hòa không khí đơn giản là không còn đủ ở những thành phố ngày càng nóng hơn.

Hệ thống làm mát không thể đáp ứng thời tiết hiện tại

Simi Hoque, kỹ sư kiến trúc tại Đại học Drexel, người nghiên cứu cách thiết kế tòa nhà góp phần gây ra tích tụ nhiệt trong nhà, cho biết: “Các loại hệ thống (làm mát) mà chúng tôi đã bán cách đây 10 năm không thể theo kịp thời tiết hiện tại.

Khi nhiệt độ tăng lên, máy điều hòa không khí - hoạt động bằng cách hút không khí trong nhà, nén nó cho đến khi nóng và sau đó thải lượng nhiệt đó ra bên ngoài - phải hoạt động mạnh hơn theo cấp số nhân. Theo nhà khoa học khí hậu Andrew Dessler của Texas A&M, việc giữ một ngôi nhà ổn định ở nhiệt độ 75F (gần 24 độ C) cần thêm khoảng 30% năng lượng khi nhiệt độ bên ngoài tăng từ 35 đến 37 độ C.

Một số thiết bị điều hòa khôn khí cũ hơn không thể đáp ứng được những nhu cầu đó. Ngay cả khi chũng có thể đáp ứng được, nhiều cư dân cũng không đủ khả năng chi trả hóa đơn năng lượng cao hơn. Nhu cầu năng lượng tăng mạnh gây căng thẳng cho lưới điện: Vào năm 2021, một đợt nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã gây ra tình trạng mất điện luân phiên và hậu quả rất lớn.

Hoque cho biết nhiều tòa nhà - đặc biệt là những tòa nhà ở các thành phố mát mẻ phía bắc nước Mỹ - đơn giản là không được thiết kế hoặc chống chịu thời tiết để thích ứng với điều kiện nắng nóng mới. Hoque bắt đầu quan tâm đến nhiệt độ trong nhà khi đang thực hiện một nghiên cứu về chất lượng không khí ở Philadelphia, nơi cô sinh sống.

Cô nói: “Khi chúng tôi nói chuyện với các thành viên trong gia đình, (mức nhiệt) là thứ luôn được nhắc đến. Những người tham gia nghiên cứu nói nói với cô rằng 'Chúng tôi không thể ở trong phòng ngủ trên lầu vào mùa hè trừ khi chúng tôi mở máy lạnh và chúng tôi chỉ có một máy lạnh, vì vậy mọi người ngủ trong cùng một phòng’”, Hoque kể lại.

Hoque cho biết có rất nhiều lỗ hổng trong nghiên cứu về nhiệt độ trong nhà và cô ấy sử dụng các phép đo nhiệt bầu ướt, có tính đến độ ẩm cũng như nhiệt độ khi đánh giá các điều kiện trong nhà.

Chi phí gia tăng

Hoque cho biết những người có nguy cơ bị với nắng nóng trong nhà cao hơn cũng “có xu hướng có ít nguồn lực hơn để có thể chi trả cho những thứ như máy điều hòa không khí hoặc quạt”, và những yếu tố này có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nắng nóng có thể gây suy hô hấp, tim mạch cấp tính, gián đoạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức - nói cách khác, nắng nóng khiến bạn khó thở, khó ngủ, khó suy nghĩ.

Dee Dee Green, người sống ở khu phố Hollygrove của New Orleans, một khu dân cư có thu nhập thấp, chủ yếu là người da đen, giáp với đường cao tốc, cho biết: “Nắng nóng quá mức chịu đựng”. Green cho hay máy điều hòa không khí của cô đã hỏng ba mùa hè liên tiếp vừa qua. Cô cho rằng đó là do thiết bị làm việc quá mức.

Raymond Sweet, một người làm công việc tổ chức sự kiện sống gần Green, cho biết trong nhà nóng hơn dẫn đến chi phí gia tăng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. “Một quả chuối thường giữ được trong một tuần. Bây giờ mọi thứ sẽ hư hỏng sau hai hoặc ba ngày”, ông nói, đồng thời giải thích thêm rằng điều đó khiến bạn phải đến cửa hàng tạp hóa nhiều hơn và chi nhiều tiền hơn cho những thực phẩm dễ hư hỏng trong nhà bếp nóng bức.

Sweet nói rằng cây cối xung quanh giúp ngôi nhà của ông luôn mát mẻ, nhưng ở nhiều nơi khác, khu vực lân cận trở nên “quá nóng nên mọi người không thể đi bộ xung quanh”. Ông đã hợp tác với những người hàng xóm để trồng cây và hối thúc giới chức trách thành phố xây dựng các hố rác sinh học, điều này có thêm lợi ích là giảm thiểu lũ lụt.

Nhiều người Mỹ thu nhập thấp có thể đủ điều kiện nhận quỹ hỗ trợ năng lượng liên bang để giúp trang trải chi phí điều hòa không khí. Và sau đợt nắng nóng nguy hiểm vào mùa hè năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách ở New Orleans đã ban hành một sắc lệnh mới yêu cầu chủ nhà cung cấp đủ điều hòa nhiệt độ để duy trì nhiệt độ phòng ngủ ở mức dưới 26,7 độ C. Nhưng chương trình vẫn chưa được cấp bất kỳ khoản tài trợ nào, khiến các nhà quản lý chương trình bị hạn chế về phương tiện thực thi.

Hoque lo ngại làm cách nào để các nhà hoạch định chính sách mới coi trọng rủi ro nhiệt của nhiệt độ trong nhà một cách nghiêm túc. Cô nói: “Những thay đổi chỉ được thực hiện khi có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra. Đối với những người như Gellot và hàng xóm của bà, điều đó đã xảy ra rồi”.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nghich-canh-trong-nha-nong-hon-ben-ngoai-cua-mua-he-ky-luc-post1480470.html