Nghịch lý

Trong bối cảnh cuộc chiến chống kẻ thù chung của nhân loại mang tên Covid-19 ngày càng cam go, đội ngũ nhân viên y tế trên thế giới càng được ca ngợi vì những cống hiến và hy sinh của họ đối với sức khỏe cộng đồng. Dẫu vậy, đâu đó vẫn tồn tại một nghịch lý đối với những 'chiến sĩ áo trắng' ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch.

Nhiều bác sĩ của Mỹ đã kiệt sức vì chống virus corona. Ảnh: Reuters

Nhiều bác sĩ của Mỹ đã kiệt sức vì chống virus corona. Ảnh: Reuters

“Khi nỗi sợ hãi virus Corona gia tăng, các y sĩ, bác sĩ phải đối mặt với sự ngược đãi và bị tấn công” là tiêu đề một bài viết mới đây của tờ The Washington Post được rất nhiều hãng truyền thông quốc tế dẫn lại. Bài viết đề cập tới một số trường hợp nhân viên y tế trên thế giới bị kỳ thị, định kiến chỉ vì làm ngành y thời Covid-19. Đó là một nữ bác sĩ tại Ấn Độ bị hàng xóm cấm bước vào tòa nhà nơi mình cư trú cho đến khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Đó là một nữ y tá tại thành phố Chicago (Mỹ) bị một người đàn ông trên xe buýt đấm vào mặt trên đường đi làm về. Đó là chuyện nhiều nhân viên y tế tại Mexico không dám mặc đồng phục nơi công cộng hay chính quyền nhiều bang của Mexico phải quyết định bố trí xe đưa đón riêng cho đội ngũ y tá. Không chỉ vậy, những người biểu tình tại thành phố Abidjan của Bờ Biển Ngà thậm chí còn tìm cách đập phá một trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đang được xây dựng.

Nguồn cơn của các sự việc nói trên xuất phát từ việc một số người dân cáo buộc đội ngũ y sĩ, bác sĩ và các cơ sở y tế chính là những mầm bệnh. Điều đó, theo như nhận xét của tờ The Washington Post, “phản ánh sự thiếu hiểu biết về virus SARS-CoV-2 cũng như các quy trình nghiêm ngặt tại các bệnh viện nhằm hạn chế virus lây lan”.

SARS-CoV-2 là một loại virus mới và cho đến nay chưa có vaccine hay thuốc đặc trị nên nỗi sợ hãi Covid-19 cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không vì thế lại để nỗi sợ hãi trở thành định kiến sai lầm. Đội ngũ y sĩ, bác sĩ không chỉ đang phải chịu nhiều áp lực tăng ca làm việc mà còn đứng trước nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng khi “tay không bắt giặc” do tình trạng quá tải, thiếu nhân lực và khan hiếm trang thiết bị bảo hộ ở nhiều cơ sở y tế trên thế giới. Họ, như khẳng định của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe thế giới 2020, “khiến chúng ta tự hào và là nguồn cảm hứng cho chúng ta” vì những điều khác biệt mà họ “đang tạo ra mỗi ngày và ở mọi nơi trên thế giới”. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cả thế giới cần chung sức, chung lòng ủng hộ để đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu yên tâm, vững tin chống đại dịch. Bất kỳ định kiến nào đối với các y sĩ, bác sĩ, cho dù chỉ “chiếm thiểu số trong cộng đồng” như khẳng định của tờ The Washington Post, cũng cần phải bị lên án, xóa bỏ bởi trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống kẻ thù chung Covid-19, điều đó chính là “nối giáo cho giặc”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nghich-ly-614988