Nghịch lý nhân lực y tế tại TP.HCM

Nghịch lý trong phát triển nhân lực y tế tại TP.HCM hiện nay là số lượng bác sĩ chuyên khoa nhiều hơn bác sĩ đa khoa, gây nhiều khó khăn cho phát triển y tế cơ sở.

Cải thiện điểm yếu của hệ thống y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa kết thúc là vấn đề được nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhà quản lý bày tỏ tại buổi họp mặt giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho TP.HCM diễn ra sáng 21/2.

Bác sĩ chuyên khoa nhiều hơn bác sĩ đa khoa

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện, nguồn nhân lực ngành y tế thành phố có nhiều biến đổi cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ xấp xỉ 16 năm 2016 lên 20 vào năm 2020 - gấp 2 lần chỉ tiêu của Trung ương.

Tuy nhiên, ngành y tế gặp thách thức không nhỏ với công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế trong giai đoạn hiện nay là phải đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và cả khu vực phía Nam.

Thành phố có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân cao nhất cả nước (20 bác sĩ/vạn dân), nhưng số này còn thấp so với các nước có hệ thống y tế phát triển như Australia (38 bác sĩ/vạn dân), New Zealand (34 bác sĩ/vạn dân), Hàn Quốc và Nhật Bản (25 bác sĩ/vạn dân)...

 Đại dịch bộc lộ nhiều hạn chế của y tế cơ sở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại dịch bộc lộ nhiều hạn chế của y tế cơ sở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Y tế chỉ ra thành phố hiện tồn tại nghịch lý về công tác đào tạo nhân lực y tế và cần có lời giải. Đó là số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều so với bác sĩ thực hành tổng quát (bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình). Nguyên nhân là các bác sĩ mới tốt nghiệp đều có xu hướng muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Ông Thượng phân tích nghịch lý này khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khó phát triển. Tình trạng quá tải bệnh viện và nhiều hệ quả đã bộc lộ rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 còn tiếp diễn.

Ngoài ra, nhiều loại hình nhân viên tế chưa được cơ sở y khoa đào tạo hoặc đào tạo không đủ số lượng so với nhu cầu thực tế.

Cụ thể như loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic) chưa có trong danh mục đào tạo. Đây là loại hình rất cần thiết để bổ sung cho mạng lưới cấp cứu 115 của TP.HCM. Hay chuyên viên y tế công cộng, tuy đã được đào tạo nhưng số lượng còn ít.

Làm sao để bác sĩ ở y tế cơ sở "sống nổi"

TS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM, đặt vấn đề trong 20 bác sĩ/vạn dân của TP.HCM có bao nhiêu bác sĩ tổng quát và cho rằng hầu hết là bác sĩ chuyên khoa.

Ông Ninh dẫn một khảo sát trên thế giới rằng 70-80% người bệnh có nhu cầu chăm sóc tổng quát, 20-30% là nhu cầu chăm sóc chuyên khoa. Do đó, hầu hết trường y trên thế giới đều đào tạo bác sĩ tổng quát trong đại học, chứ không đào tạo chuyên khoa. Việt Nam thì ngược lại.

Việc thiếu nguồn lực này khiến y tế cơ sở yếu, hậu quả là sự vỡ trận của bệnh viện tuyến trên, trong khi, nếu chăm sóc tốt thì hầu hết bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại viện. Với bối cảnh đó, ông cho rằng trạm y tế là "cái áo đã quá chật" cho nhu cầu phát triển ở cơ sở và đề nghị thay đổi thành trung tâm y tế cộng đồng.

Ngoài ra, ông cho rằng cần có thu nhập để bác sĩ "sống nổi". "Bác sĩ không sống nổi thì nghèo lắm, hèn lắm", ông trăn trở.

Ông cũng khẳng định bác sĩ gia đình hiện rất cần cho hệ thống y tế nhưng "hiếm mà không quý" nên chưa được coi trọng đúng mức.

 TP.HCM đang có tình trạng mất cân bằng giữa số lượng bác sĩ chuyên khoa và đa khoa. Ảnh: Chí Hùng.

TP.HCM đang có tình trạng mất cân bằng giữa số lượng bác sĩ chuyên khoa và đa khoa. Ảnh: Chí Hùng.

Cũng nói về phương pháp củng cố y tế cơ sở, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM, đặt câu hỏi: Làm sao có tuyến y tế cơ sở mạnh nếu hệ thống y tế không đặt hàng cho hệ thống giáo dục?

Điểm yếu lâu nay là hệ thống sử dụng nhân lực y tế chưa đặt hàng với hệ thống giáo dục và đào tạo. GS Diệp Tuấn dẫn chứng nếu được đặt hàng với con số cụ thể như một năm cần 5 bác sĩ tim mạch, 10 bác sĩ hô hấp... thì ngành giáo dục sẽ đào tạo như yêu cầu.

Tiếp thu các góp ý này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng tỷ lệ 20,2 bác sĩ/vạn dân của TP.HCM không nên so sánh với cả nước mà phải xác định đây là đô thị đặc biệt và so sánh với nước phát triển để định hướng phấn đấu. Nhiều vấn đề của y tế cơ sở đã tồn tại hàng chục năm, nay được nhắc lại. UBND TP.HCM sẽ cùng ngành y tế phân tích, tìm giải pháp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

"Có nhiều vấn đề thuộc cơ chế chính sách, có cái cần phải phù hợp với thành phố với tư cách là địa phương luôn đi đầu do được thúc bách bởi thực tiễn. UBND TP.HCM sẽ chọn lựa vấn đề, nghiên cứu và hy vọng 3-5 năm nữa có thể giải quyết nghịch lý này bằng giải pháp hợp lý, phù hợp", ông nói.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-nhan-luc-y-te-tai-tphcm-post1297544.html