Nghiêm cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo khách mua bảo hiểm

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng chèo kéo, tranh giành khách quá mức làm méo mó thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm và công ty bảo hiểm. Luật đã nghiêm cấm việc cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Nỗ lực hoàn thành trách nhiệm

Trong phát biểu mở đầu trước khi trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, ngành sẽ nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của mình tại phiên chất vấn và tiếp thu những ý kiến mới, những đề nghị, đề xuất phát sinh trong thực tiễn để hoàn thiện tốt hơn về cơ sở pháp lý và lãnh đạo, chỉ đạo một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn, để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Bộ trưởng cho biết, trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa một cách mở rộng, linh hoạt, hiệu quả; Tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Về chính sách thu, Bộ đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ giảm thuế 200.000 tỷ đồng, nhưng vượt thu ngân sách vẫn đạt (năm thấp nhất là 8,12%; năm cao nhất 27,4%, năm 2023 vượt thu 404.000 tỷ). Nợ công đầu nhiệm kỳ 41,3%, đến nay nợ công xuống còn 37%, trong đó nợ nước ngoài 34%... Các cân đối của nền kinh tế được giữ vững.

Về xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã cố gắng thực hiện chính sách thông quan một cách hợp lý và kiểm soát vấn đề xuất, nhập khẩu để phát hiện sai phạm như đưa hàng cấm vào trong nội địa. Kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng lên. Đây là những nỗ lực của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình đất nước đang phát triển, luật pháp đang hoàn thiện, quy trình quản lý chưa được chặt chẽ, nên cũng có sai sót, sai phạm, thì rất mong các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, Bộ trưởng nói.

Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót, người tham gia bảo hiểm có quyền đòi lại tiền

Là đại biểu đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt vấn đề, hiện nay, người mua bảo hiểm thường xuyên được tư vấn, môi giới, chào mời với chiết khấu cao và trừ vào tiền mua bảo hiểm lần đầu; tình trạng chèo kéo, tranh giành khách quá mức làm méo mó thị trường bảo hiểm, tạo hiểu lầm cho khách hàng. Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) chất vấn

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) chất vấn

Bên cạnh đó, đại biểu thẳng thắn, hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm, mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp.
Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Có cùng quan tâm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) nêu rõ, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 80/2019/NĐ – CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi theo Nghị định 48/2018/NĐ – CP. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị định có điểm nào mới liên quan đến việc bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng để giải quyết các vướng mắc hiện nay?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng cho biết, chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm và công ty bảo hiểm. Luật đã nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại và xử phạt nghiêm minh, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý.

Nắm được thực tế có những hợp đồng bảo hiểm kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm, Bộ trưởng nói “khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định có liên quan, chúng tôi đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm”.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng cho biết, vừa qua, khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính đã đề xuất, không được tư vấn bán bảo hiểm kèm với sản phẩm của ngân hàng. Ví dụ, khi cho vay không được phép kèm vào bán sản phẩm bảo hiểm này, bảo hiểm kia. Và trong Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định, trước 60 ngày và sau 60 ngày, khi bán sản phẩm của ngân hàng thì các công ty bảo hiểm không được mua, bán sản phẩm bảo hiểm để tránh tình trạng ép mua trong giai đoạn thẩm định hồ sơ để cho vay hoặc để giải ngân. Cho nên, trước khi giải ngân và sau khi giải ngân phải cách nhau 60 ngày thì không được bán sản phẩm bảo hiểm.

Bộ trưởng thông tin, chúng tôi đã đề xuất những trường hợp ép mua, ép bán sản phẩm bảo hiểm đối với người vay ngân hàng thì phải báo với cơ quan chức năng. Bộ Tài chính cũng giao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm phối hợp với cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để xử lý các trường hợp khi có đơn kiện hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện trường hợp lợi dụng các tổ chức tín dụng và ngân hàng để bán bảo hiểm. Trong xử phạt hành chính cũng đưa các hành vi hết sức cụ thể, xử lý bằng tiền phạt và các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, đình chỉ giấy phép, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra, bảo đảm thực hiện đúng quy định

Còn băn khoăn về việc các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị, Bộ trưởng cho biết, kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng làm rõ khung pháp lý trong để cấp phép đào tạo các đơn vị môi giới bảo hiểm trong thời gian tới?

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay chúng ta có 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm của liên doanh và nước ngoài. Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện. Trong trường hợp, khi liên kết bán qua ngân hàng có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng, cũng chưa chắc đã phải là của các Chủ tịch hay Giám đốc ngân hàng thương mại chỉ đạo. Hoặc cũng có thể do bảo hiểm liên kết giữa ngân hàng hợp đồng với các công ty bảo hiểm để hưởng chi phí dịch vụ.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Bộ trưởng cũng khẳng định hàng năm, Bộ đều cho giao Cục Quản lý giám sát kinh doanh bảo hiểm tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm.

Đặt vấn đề có nhiều ý kiến cho rằng, tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm xuất phát từ việc tư vấn không rõ ràng, đầy đủ, cụ thể là từ chất lượng đào tạo của đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này trong thời gian tới?

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) chất vấn

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) chất vấn

Liên quan đến việc tư vấn không rõ ràng trong quá trình mua bán bảo hiểm, Bộ trưởng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu do hành vi của người tư vấn đã thực hiện tư vấn không chính xác, không rõ ràng, không đầy đủ thông tin cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, trách nhiệm gián tiếp của Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan cấp phép và kiểm tra các công ty bảo hiểm, Bộ có tiến hành kiểm tra quy chế nội bộ, xây dựng văn hóa ứng xử trong các công ty bảo hiểm như thế nào, những vấn đề này có liên quan đến vi phạm luật pháp và vi phạm đạo đức của người làm nghề.
Khi kiểm tra, Bộ Tài chính đều lưu tâm đến vấn đề này; nếu nhận khiếu nại, tố cáo của người dân, Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ trách nhiệm trực tiếp của người tư vấn bảo hiểm và trách nhiệm của công ty bảo hiểm trong quản lý cán bộ của mình.

Đối với chương trình đào tạo, Bộ trưởng khẳng định chương trình đào tạo luôn được đổi mới và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/nghiem-cam-can-bo-bao-hiem-tu-van-sai-tranh-gianh-loi-keo-khach-mua-bao-hiem-i363198/