Nghiên cứu cho thấy số người mắc cao huyết áp tăng gấp đôi trên toàn cầu trong 30 năm

Theo một nghiên cứu lớn được công bố hôm thứ Tư (25/8), số người mắc bệnh cao huyết áp đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990, với một nửa số người mắc bệnh, tương đương 720 triệu người, không được điều trị vào năm 2019.

Ảnh: AFP

Bài liên quan

Tỉ lệ tiêm chủng đạt gần 80%, Singapore chuẩn bị kế hoạch sống chung với COVID-19 như bệnh cúm

Indonesia dùng tàu làm trung tâm cách ly nổi cho bệnh nhân COVID-19

Nhu cầu oxy tăng vọt khi Nhật Bản thay đổi cách điều trị bệnh nhân COVID-19

Nghiên cứu cho thấy rượu liên quan đến nhiều bệnh ung thư hơn

Tăng huyết áp có liên quan trực tiếp đến hơn 8,5 triệu ca tử vong mỗi năm, và là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ, bệnh tim và gan.

Để tìm hiểu xem tỷ lệ tăng huyết áp đã phát triển như thế nào trên toàn cầu trong 30 năm qua, một nhóm quốc tế thuộc Tổ chức NCD-RisC đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.200 nghiên cứu quốc gia ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Phân tích cho thấy năm 2019 có 626 triệu phụ nữ và 652 triệu nam giới sống chung với bệnh cao huyết áp. Con số này gần gấp đôi so với ước tính 331 triệu phụ nữ và 317 triệu nam giới mắc bệnh này vào năm 1990.

Phân tích cho thấy 41% phụ nữ và 51% nam giới bị huyết áp cao không biết về tình trạng của họ, có nghĩa là hàng trăm triệu người đang bỏ lỡ phương pháp điều trị hiệu quả.

Ông Majid Ezzati đến từ Đại học Hoàng gia London và là tác giả nghiên cứu cho biết: “Bất chấp những tiến bộ về y học và dược phẩm trong nhiều thập kỷ qua, tiến bộ toàn cầu trong việc quản lý bệnh cao huyết áp vẫn còn chậm và phần lớn những người bị cao huyết áp vẫn chưa được điều trị".

Trong phân tích được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, Canada và Peru có tỷ lệ cao huyết áp ở người trưởng thành thấp nhất vào năm 2019, với khoảng 1/4 người sống chung với tình trạng này.

Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Anh có tỷ lệ tăng huyết áp thấp nhất ở phụ nữ, dưới 24%, trong khi Eritrea, Bangladesh, Ethiopia và Quần đảo Solomon có tỷ lệ thấp nhất ở nam giới với dưới 25%.

Ngược lại, hơn một nửa số phụ nữ ở Paraguay và Tuvalu bị cao huyết áp. Hơn một nửa nam giới ở Argentina, Paraguay, Tajikistan mắc bệnh này, nằm trong nhóm những nước đứng đầu thế giới, phân tích cho thấy.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết báo cáo cho thấy nhu cầu cấp thiết để tăng cường chẩn đoán và tiếp cận điều trị cao huyết áp.

Ông Robert Storey, giáo sư Tim mạch tại Đại học Sheffield, cho biết Covid-19 đã khiến các chính phủ phân tâm khỏi thực tế về bệnh cao huyết áp.

"Bệnh tim mạch ít được chú ý hơn trong 18 tháng qua nhưng phản ánh rõ xu hướng lựa chọn lối sống không lành mạnh của người dân trên toàn thế giới như ăn nhiều chất béo, đường, muối và rượu, cũng như ít vận động, tránh tập thể dục và hút thuốc", ông Storey nói.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-cho-thay-so-nguoi-mac-cao-huyet-ap-tang-gap-doi-tren-toan-cau-trong-30-nam-post152239.html