Nghiên cứu mới về thời gian ủ bệnh của virus nCoV
Các nhà nghiên cứu y khoa ở Trung Quốc mới phát hiện thời gian ủ bệnh của virus Corona chủng mới (nCoV) có thể lên tới 24 ngày – tức là dài hơn 10 ngày so với thời gian mà các chuyên gia từng đưa ra trước đây.
Theo kênh CGTN (mạng truyền hình toàn cầu của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV) và báo China Daily, chuyên gia hàng đầu về hô hấp của Trung Quốc, Tiến sĩ Zhong Nanshan và nhóm của ông vừa cho đăng tải nghiên cứu cho rằng thời gian ủ bệnh của virus Corona mới có thể kéo dài tới 24 ngày, nhiều hơn 10 ngày so với những đánh giá trước đây.
Tờ The Independent (Anh) cho biết Tiến sĩ Zhong Nanshan là đồng tác giả của nghiên cứu nói trên. Ông là người đã phát hiện ra virus gây dịch SARS (dịch Viêm đường hô cấp cấp nặng), cũng thuộc họ Corona, vào năm 2003, và đã được chỉ định làm cố vấn hàng đầu trong xử lý cuộc khủng hoảng dịch Corona chủng mới (2019-nCoV) hiện tại.
Khuyến cáo hiện nay từ các tổ chức y tế và các cơ quan chức năng cho rằng thời gian ủ bệnh của virus nCoV kéo dài 14 ngày, dựa trên thời gian ủ bệnh của chủng virus MERS (dịch Hô hấp cấp Trung Đông) trước đó.
Xem video đài CGTN đưa tin về thời gian ủ bệnh của virus Corona qua nghiên cứu mới:
Phát hiện trên được công bố ngày 9/2 qua bài báo có tiêu đề “Đặc điểm lâm sàng của virus Corona mới 2019 ở Trung Quốc”.
Tờ Straitstimes (Singapore) cho biết nghiên cứu trên, được thực hiện bởi ít nhất 30 nhà khoa học từ các bệnh viện và trường y khoa Trung Quốc, do Tiến sĩ Zhong Nanshan dẫn đầu, cho thấy vẫn còn nhiều điều chưa biết về loại virus chết người có tên 2019-nCoV.
Theo các nhà nghiên cứu, một phương pháp xác định sớm có thể có những khiếm khuyết, qua đó có thể dẫn đến một số lượng lớn người nhiễm bệnh chưa được phát hiện.
Ban đầu, triệu chứng sốt chỉ xảy ra ở 43,8% bệnh nhân nhưng đã lên tới tỉ lệ 87,9% sau khi nhập viện, theo nghiên cứu. Việc không có triệu chứng sốt trong các ca nhiễm 2019-nCoV xuất hiện thường xuyên hơn so với các ca nhiễm SARS và MERS. Vì thế bệnh nhân có thể bị bỏ qua nếu như định nghĩa về các trường hợp cần giám sát tập trung nhiều vào những người được phát hiện sốt.
Trước đây, trước khi bệnh nhân trải qua các xét nghiệm axit nucleic (NAT) để xác nhận bị nhiễm trùng, hình ảnh chụp CT của họ phải có dấu hiệu nhiễm virus, thường được phản ánh dưới dạng bị mờ đục thủy tinh thể hoặc có bóng hai bên trong lồng ngực. Nhưng trong số 840 bệnh nhân mà các nhà nghiên cứu xem xét đã được chụp CT, chỉ một nửa cho thấy độ mờ đục của đáy thủy tinh thể và 46% cho thấy bóng mờ hai bên lồng ngực. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có nghĩa là nếu chỉ dựa vào chụp CT có thể không xác định được một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân mắc bệnh.
Ngoài ra, nghiên cứu đã được tiến hành đối với 552 bệnh viện ở 31 tỉnh tại Trung Quốc. Trong số này, chỉ có 1,18% bệnh nhân đã tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã, nơi được suy đoán có thể là nguồn gốc khởi phát virus.
Gần 1/3 trong số bệnh nhân đã đến tâm dịch Vũ Hán và 71,8% đã tiếp xúc với một người nào đó từ Vũ Hán. Điều này cung cấp thêm bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người. Những phát hiện này phù hợp với các báo cáo gần đây về nhiễm trùng từ các cuộc họp mặt gia đình và lây truyền từ người mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Những phát hiện trên được đưa ra khi Trung Quốc báo cáo sự gia tăng mạnh các trường hợp nhiễm virus nCoV trong ngày 10/2, với số người tử vong tăng 97 người chỉ trong 24 giờ và 3.062 trường hợp nhiễm mới.
Sự gia tăng đột ngột trong các ca nhiễm nCoV đã phá vỡ chuỗi những ngày sụt giảm ca nhiễm mới, mà một phát ngôn viên Chính phủ Trung Quốc hôm 9/2 khẳng định là bằng chứng cho thấy các biện pháp ngăn chặn đã chứng tỏ thành công.