Nghiên cứu, phục hồi nghi lễ bỏ mả của người Cơ Tu

Sau khi nghiên cứu, phục hồi, lễ bỏ mả của người Cơ Tu sẽ được đưa vào phục vụ cho việc phát triển du lịch tại Làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Vừa qua, Bộ VHTTDL đã có kế hoạch về việc hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Trong số này, có Lễ bỏ mả của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo kế hoạch, trong quý 4 năm 2024, Bộ VHTTDL giao Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện Nam Đông cùng các đơn vị liên quan triển khai một số nội dung như: Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng biến đổi, những khó khăn, vướng mắc của nghi lễ này trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong phát triển văn hóa, xã hội hiện nay.

Các nghệ nhân điêu khắc người Cơ Tu sẽ là nguồn nhân lực quan trọng hỗ trợ công tác nghiên cứu, phục hồi nghi lễ bỏ mả thời gian tới.

Các nghệ nhân điêu khắc người Cơ Tu sẽ là nguồn nhân lực quan trọng hỗ trợ công tác nghiên cứu, phục hồi nghi lễ bỏ mả thời gian tới.

Bên cạnh đó, thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu đề xuất các giải pháp khôi phục, bảo tồn lễ bỏ mả trên cơ sở chọn lọc các yếu tố phù hợp và loại bỏ các yếu tố cổ hủ, lạc hậu so với điều kiện hiện nay. Phối hợp với nghệ nhân và chuyên gia, tổ chức 3 lớp truyền dạy một số công đoạn tiêu biểu trong quy trình lễ bỏ mả về nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật diễn xướng.

Tổ chức biểu diễn, tái hiện một số công đoạn tiêu biểu trong quy trình lễ bỏ mả về nghệ thuật điêu khắc (kỹ thuật điêu khắc hoa văn trang trí trên nhà mồ, kỹ thuật điêu khắc các loại tượng,…) và nghệ thuật diễn xướng (trình diễn điệu múa da dá, hát dân ca cơ lau cơ lênh). Đặc biệt là phục vụ cho việc phát triển du lịch tại Làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông được xây dựng trên địa bàn xã Thượng Lộ.

Tập hợp các nghệ nhân có tay nghề cao ở một số xã Thượng Long, Thượng Quảng… trên địa bàn huyện Nam Đông tổ chức chế tác một số sản phẩm đặc trưng của lễ bỏ mả (điêu khắc hoa văn trang trí nhà mồ, các loại tượng,...). Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được bàn giao cho địa phương nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tuyền truyền, quảng bá văn hóa của người Cơ Tu.

Ngoài ra, sẽ sản xuất phim tư liệu, in tập gấp về lễ bỏ mả của người Cơ Tu, phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề cao vai trò của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình.

Tổ chức tọa đàm khoa học lấy ý kiến về định hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy lễ bỏ mả của dân tộc Cơ Tu. Xây dựng báo cáo khoa học về khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống; thực trạng biến đổi trong giai đoạn hiện nay; đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả lễ hội này phục vụ cho các mục tiêu văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là phục vụ cho việc phát triển du lịch tại Làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông được xây dựng trên địa bàn xã Thượng Lộ.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghien-cuu-phuc-hoi-nghi-le-bo-ma-cua-nguoi-co-tu-20241023103015203.htm