Nghiên cứu vay 9.000 tỷ 'rót' cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến sẽ trình Chính phủ cho phép vay vốn Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo cơ chế đặc thù. Tổng nhu cầu vốn gần 11.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay khoảng 9.000 tỷ đồng, theo hình thức trung ương cấp phát lại cho địa phương toàn bộ.
Ngày 8/4, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đề xuất Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự án dự kiến sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Đại diện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự án được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre) - các địa phương tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Mục tiêu dự án là thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao, được đo bằng các chỉ số như: Tăng năng suất, sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính; thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.
Dự án có 3 hợp phần, gồm: Hợp phần 1 (các hoạt động chính) sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết, để hỗ trợ chuỗi giá trị gạo carbon thấp từ các giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến và tiếp thị, diện tích khoảng 500.000 ha; Hợp phần 2 sẽ phát triển và chuyển giao kỹ thuật; hợp phần 3 cho quản lý dự án.
Bộ NN&PTNT dự kiến đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng dự án vay vốn WB để hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo cơ chế đặc thù. Theo đó, bộ sẽ xây dựng một đề xuất dự án chung, gồm cả nhiệm vụ của bộ và 12 tỉnh tham gia.
Theo dự thảo đề xuất, dự án rất quan trọng và cấp bách, cần một cơ chế cấp phát 100% cho các tỉnh tham gia, do việc cho vay lại sẽ không khả thi ở một số tỉnh, thủ tục mất nhiều thời gian.
Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư dự án hơn 470 triệu USD (tương đương gần 11.800 tỷ đồng). Trong đó, vay WB khoảng 360 triệu USD (tương đương khoảng 9.000 tỷ đồng); vốn đối ứng trong nước hơn 112 triệu USD; vốn khác khoảng 68 triệu USD. Tổng diện tích lúa đưa vào dự án trên 949.000ha, tương đương suất đầu tư giao động từ 325 - 794 USD/ha.
Ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp của WB - cho biết, sau khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được phê duyệt (tháng 11/2023), tiến độ chuẩn bị đề xuất dự án cơ sở hạ tầng này rất nhanh. “Nếu như trước đây phải mất ít nhất 6 tháng để có đội tư vấn, nay đã có bản đề xuất lần thứ hai. Điều đó cho thấy bất kỳ đơn vị tư vấn nào cũng không thể hiểu đồng bằng này hơn chúng ta”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, quan điểm của WB là giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt nhưng đón đầu cơ hội trong tương lai. Trước đây, khi thực hiện dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững), vấn đề giảm phát thải đã được đề cập mặc dù chưa nhiều, nhưng tới Đề án này đã đặt thành một trong những mục tiêu chính. Điều này chứng tỏ Việt Nam đi trước thế giới, là nước đầu tiên làm dự án này, có cơ hội đón những nguồn vốn tài trợ không hoàn lại vì vấn đề này (giảm phát thải - PV) đang được quan tâm…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, dự án rất cần thiết để hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trong đó nhu cầu đầu tư tập trung vào 4 nội dung chính gồm: Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ tưới ngập khô xen kẽ (237 triệu USD); các công trình giao thông kết nối các khu sản xuất lúa (190 triệu USD); hệ thống logistics cho chuỗi giá trị lúa gạo (9 triệu USD); cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và các hạng mục khác (68 triệu USD).
“Các địa phương cần rà soát sự phù hợp của dự án với quy hoạch, có chồng chéo hay không; củng cố lại Ban quản lý dự án VnSAT, hoặc lập mới để thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) viết lại đề xuất dự án theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, các nội dung cần thiết mới đưa vào, không đưa vào nhiều vấn đề. Dự án chỉ phục vụ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, không phải phục vụ cho toàn ngành nông nghiệp”, ông Nam lưu ý.
Chuyên gia cao cấp của WB Li Guo cho biết sẽ trình dự án lên lãnh đạo WB trên nền tảng dự án VnSAT, nhưng mở rộng hơn. Đó là vấn đề chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu cho nông sản ĐBSCL, cả tín chỉ carbon - yếu tố mới của dự án.
"Việc thực hiện dự án VnSAT trước đây cũng đã cho thấy tầm nhìn xa, bởi khi đó vấn đề giảm phát thải khí nhà kính đã được đặt ra như một mục tiêu của dự án, trong khi các dự án trên thế giới chưa đề cập đến. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiên phong về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để thực hiện các bước tiếp theo" - chuyên gia WB nói.