Nghìn việc tốt nở hoa...

Trải qua chiến tranh đến hòa bình, từ một vùng đất truyền thống văn hiến, cách mạng, thế hệ trẻ đã nối tình bạn trong và ngoài nước cùng thi đua làm Nghìn việc tốt. Từ đó, ý chí rèn luyện, tinh thần nỗ lực vượt qua thử thách của tuổi trẻ Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ cho tới hôm nay.

Mong muốn người tốt, việc tốt nảy nở khắp nơi

“Năm 1961 - một mốc lịch sử, chúng ta bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc, và đẩy mạnh cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, nhiều trường vùng quê đã được nâng lên đến cấp II. Trường cấp II Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) lúc đó cũng được thành lập” - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn nhớ lại những ngày tháng đất nước còn chìm trong chiến tranh, phong trào cách mạng, thi đua yêu nước sôi nổi khắp nơi, trong đó có phong trào Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ, gọi tắt là “Nghìn việc tốt”.

Bác Hồ về thăm quê hương Nghìn việc tốt. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bác Hồ về thăm quê hương Nghìn việc tốt. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Thời điểm đó, Trường cấp II Liên Sơn chưa có cơ sở vật chất, phải đi học nhờ, nhưng cả thầy và trò đều trách nhiệm trong dạy và học, hứng khởi thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ: “Ngay ngày khai trường đầu tiên, Chi đoàn và thầy hiệu trưởng cùng thầy cô trong trường đã thành lập Liên đội Thiếu niên Tiền phong mang tên Ngô Gia Tự, cùng thực hiện phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, noi gương Ngô Gia Tự, đi đường cách mạng của Bác Hồ”. Rồi phong trào “Đọc và học tập sách báo”, ngày ngày chúng tôi nhận thư ở các nơi gửi đến cùngthi đua. Chúng tôi thấy đó là một việc tốt, và mong muốn người tốt, việc tốt phải nảy nở khắp nơi như một mùa hoa”.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn khi ấy là Tổng phụ trách thiếu nhi, từng là đội viên Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng anh hùng. Ông vẫn nhớ như in: ngày 24.3.1963, trong không khí tưng bừng, náo nhiệt của cuộc sinh hoạt ngoại khóa “Tiến bước lên đoàn”, Liên đội Ngô Gia Tự thuộc Trường cấp II Liên Sơn đã tổ chức lao động trồng cây hai bên đường đoạn đi vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự - một trong những người sáng lập Đảng ta, để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Sau đó tổng kết và muốn có thêm nhiều việc tốt hơn nữa, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã có sáng kiến phát động phong trào thi đua Nghìn việc tốt. Ngay lập tức, đại biểu các Liên đội bạn ở Tương Giang, Đồng Quang, Đồng Nguyên, Đình Bảng đang cắm trại ở đồi Tam Sơn đã đến bắt tay thi đua.

Nghìn chỉ số nhiều, số mở nên viết bằng chữ, vừa trừu tượng, vừa cụ thể. Việc tốt là những việc có ích cho nước cho dân, cho chính mình tiến bộ. Coi trọng làm, nói là làm, tự giác làm thực sự... 5 điều Bác Hồ dạy là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là biện pháp giáo dục. 5 điều ấy gắn kết, đồng hành” - ông Nguyễn Đức Thìn giải thích.

Ban đầu, phong trào được phát động trong hàng ngũ thiếu niên, nhi đồng nhằm giáo dục con người thói quen làm việc tốt từ khi còn nhỏ: học sinh thay nhau chăm sóc, chép hộ bài khi bạn ốm; khi bạn bị đau chân, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp. Các em cũng là người chăm sóc đàn gà, đàn lợn, chăn thả trâu bò, giúp cha mẹ cơm nước hàng ngày... Từ đó, hàng loạt khẩu hiệu như “Xóm thôn nghìn việc tốt”, “Gia đình nghìn việc tốt”, “Lớp học nghìn việc tốt”… được lan tỏa.

Phong trào dần được mở rộng. Được sự chỉ đạo của Ban Thiếu nhi Trung ương (nay là Hội đồng Đội Trung ương), Nghìn việc tốt sớm trở thành phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ khuyến khích phát triển.

Khi Tổ quốc cần, thiếu nhi cũng sẵn sàng làm việc lớn

Mùng 1 Tết Đinh Mùi (tức 9.2.1967), Bác Hồ về thăm nơi khởi phát phong trào Nghìn việc tốt. Khi trao phần thưởng cho học sinh chăm ngoan học giỏi giữa sân trường, Bác căn dặn: “Các cháu đã làm Nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết, giúp nhau thi đua học tập tốt, lao động tốt, cùng làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Bác mong các cháu năm mới đều tiến bộ hơn năm qua...”. Rồi Bác cùng với thiếu nhi vỗ tay hát bài Kết đoàn...

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cùng các đội viên của Bắc Ninh. Ảnh: baobacninh.com.vn

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cùng các đội viên của Bắc Ninh. Ảnh: baobacninh.com.vn

Từ ngôi trường này, nhiều học sinh đã trưởng thành. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện lời thơ chúc Tết của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào...”, nhiều học sinh gác sách bút, xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu, không ít người trong số đó hy sinh vì đất nước.

“Nghìn việc tốt cũng đã được thiếu nhi Việt Nam hai miền đất nước ngay trong chiến tranh bắt tay thi đua: Làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước, Nghìn việc tốt xây dựng quê hương. Và các bạn thiếu nhi quốc tế cũng chung tay. Tôi có cơ hội đứng giữa trại hè quốc tế để nói về thiếu nhi Việt Nam làm Nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ” - ông Thìn xúc động nhớ lại.

Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân, số 5526 ra ngày 1.6.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói chung trẻ con ta rất tốt. Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích... Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm “nghìn việc tốt” như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều mình cứu bạn... Hàng trăm cháu có thành tích xuất sắc đã được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Hơn hai triệu cháu được bình bầu là Cháu ngoan Bác Hồ. Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa”...

Đến nay, Nghìn việc tốt đã trải qua một vòng hoa giáp, tuy nhiên, với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, phong trào như mới phát động hôm qua, và cần phải tiếp tục, bởi Nghìn việc tốt không bao giờ là cũ. Đó là tâm hồn, bản lĩnh Việt Nam. Đó là ý thức và trách nhiệm công dân của người Việt Nam. Ý thức đó có từ tuổi thơ. Khi Tổ quốc cần, thiếu nhi cũng sẵn sàng làm những việc lớn.

Ông Thìn cho rằng, Nghìn việc tốt là di sản văn hóa của thiếu nhi thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Với học sinh, cần hướng đến những việc làm nhỏ, những việc làm tốt thấm vào máu thịt, trở thành thói quen hàng ngày, là nền tảng vun trồng cho các em những đức tính tốt đẹp. Và để thiếu nhi tiếp tục thực hiện tốt phong trào này, Tổng phụ trách cùng với các nhà giáo phải là “nhạc trưởng” trong “dàn đồng ca thi đua” trong các nhà trường, đưa Nghìn việc tốt thành nếp sống từ trường về nhà, từ nhà ra xã hội. Thực tế đã có nhiều gia đình 3 thế hệ làm Nghìn việc tốt, chung vui trách nhiệm xây dựng “Lớp học Nghìn việc tốt”, “Xóm thôn Nghìn việc tốt” thấm đậm nhân văn.

Nhiều năm ghi lại nhật ký hoạt động của phong trào Nghìn việc tốt, ở tuổi 83, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn mong cho “ngọn lửa” phong trào tiếp tục tỏa rạng. Từ đó khích lệ thiếu nhi Việt Nam làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, rèn đức tự tin, trưởng thành làm người chân chính, có bản lĩnh, trách nhiệm trước bản thân, gia đình và xã hội, lớn lên có ý chí, bản sắc văn hóa con người Việt Nam.

“Nghìn việc tốt nhanh nở hoa, kết quả, góp phần tích cực bồi dưỡng nhân cách, rèn người tốt, làm việc tốt. Cái tốt nghìn lần thương, cái xấu phải hổ mình co lại từ tuổi thơ để lớn lên không vô cảm, thiếu trách nhiệm với Tổ quốc, với đồng bào”, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn kỳ vọng.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nghin-viec-tot-no-hoa-i341722/