Ngoại giao công nghệ là 'trái tim' của chính sách đối ngoại Mỹ

Việc làm chủ ngoại giao công nghệ là yếu tố quan trọng giúp các nhà ngoại giao giữ cho nước Mỹ luôn dẫn đầu.

Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan đầu tiên áp dụng nền tảng công nghệ tích hợp hoàn toàn mới từ Học viện Ngoại giao công nghệ để đào tạo các nhà ngoại giao. (Nguồn: Washington Times)

Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan đầu tiên áp dụng nền tảng công nghệ tích hợp hoàn toàn mới từ Học viện Ngoại giao công nghệ để đào tạo các nhà ngoại giao. (Nguồn: Washington Times)

Viện Ngoại giao công nghệ Krach tại Đại học Purdue (bang Indiana, Mỹ) đã trình làng Học viện Ngoại giao công nghệ hôm 30/4, trong bối cảnh hiểu biết về công nghệ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quan hệ đối ngoại.

Bà Michelle Giuda, Giám đốc điều hành Viện Ngoại giao công nghệ Krach cho biết, đây là một nền tảng trực tuyến tập trung vào việc giảng dạy về khoa học và kỹ thuật của những công nghệ mới nổi, cách thương mại hóa công nghệ, những rủi ro và cơ hội của chính sách đối ngoại khi công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ…

Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan đầu tiên áp dụng nền tảng công nghệ tích hợp hoàn toàn mới từ Học viện Ngoại giao công nghệ để đào tạo về công nghệ mới nổi cho các nhà ngoại giao.

Chương trình giảng dạy đầu tiên mà Học viện cung cấp có tên là Tech Primer Series, tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của các công nghệ quan trọng mới nổi. Mỗi buổi học thường kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ và bao gồm 10 học phần, mỗi học phần dài khoảng 6 phút. Chương trình giảng dạy ban đầu sẽ có khoảng 20 buổi học, sau khi hoàn thành người học sẽ được cấp chứng chỉ.

Học viện Ngoại giao công nghệ là nền tảng trực tuyến, tập trung vào việc giảng dạy các công nghệ và chiến lược quan trọng và mới nổi. (Nguồn: KITD)

Học viện Ngoại giao công nghệ là nền tảng trực tuyến, tập trung vào việc giảng dạy các công nghệ và chiến lược quan trọng và mới nổi. (Nguồn: KITD)

Việc thành lập Học viện Ngoại giao công nghệ diễn ra trong bối cảnh các mối đe dọa đến công nghệ Mỹ ngày càng gia tăng từ trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn (semiconductor), mạng 6G cho đến máy bay không người lái của Iran. Do đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao trình độ cho các nhà ngoại giao.

Theo bà Elizabeth M. Allen, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách quan hệ công chúng, với nền tảng học mới này, các chuyên gia ngoại giao công chúng, an ninh mạng và kỹ thuật mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ có cơ hội được tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến hơn trong khi cuộc cạnh tranh công nghệ trên thế giới diễn ra gay gắt và nhanh chóng như hiện nay.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, bà Elizabeth M. Allen cho rằng, “ngoại giao công nghệ là ưu tiên chính sách đối ngoại trọng tâm” và việc làm chủ ngoại giao công nghệ là “yếu tố quan trọng giúp nhân sự Bộ Ngoại giao giữ cho nước Mỹ luôn dẫn đầu”.

Là cơ quan đầu tiên ứng dụng nền tảng công nghệ tích hợp mới này, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tận dụng nguồn dữ liệu làm tài nguyên giáo dục cho toàn bộ nhân sự của Bộ trước. Sau đó, mục tiêu dài hạn là toàn bộ cán bộ chính phủ Mỹ đều sẽ học về công nghệ trên nền tảng này.

Năm 2021, các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm ông Keith Krach, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Docusign và cựu Thứ trưởng ngoại giao về tăng trưởng kinh tế; ông Mung Chiang, hiện là Chủ tịch của Đại học Purdue, cựu cố vấn khoa học và công nghệ cho Ngoại trưởng Mỹ và bà Michelle Giuda cùng thành lập Viện Ngoại giao công nghệ Krach, Đại học Purdue.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, bà Michelle cho biết, bà cùng ông Keith và ông Mung phối hợp xây dựng "Clean Work", một liên minh gồm các quốc gia và các công ty mạng viễn thông và trong quá trình đó, tạo ra một giải pháp mới có tên “ngoại giao công nghệ”. Định hướng của Viện Krach là đảm bảo “công nghệ thúc đẩy tự do” và sự ra đời của Học viện Ngoại giao công nghệ nhằm thúc đẩy điều đó.

(theo FedScoop)

Thúy Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-cong-nghe-la-trai-tim-cua-chinh-sach-doi-ngoai-my-270049.html