Ngoại giao thể thao 'kiểu Úc'

Thông qua chiến lược mới về ngoại giao thể thao, Australia mong muốn tăng cường sức mạnh quốc gia trên 'cuộc đua' quốc tế.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) và Bộ trưởng Thể thao Anika Wells (phải) ăn mừng trước chiến thắng của đội tuyển nữ Australia trong trận đấu bóng đá nữ với đội tuyển Pháp tại World Cup 2023 diễn ra ở Sydney. (Nguồn: Anthony Albanese/Twitter)

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) và Bộ trưởng Thể thao Anika Wells (phải) ăn mừng trước chiến thắng của đội tuyển nữ Australia trong trận đấu bóng đá nữ với đội tuyển Pháp tại World Cup 2023 diễn ra ở Sydney. (Nguồn: Anthony Albanese/Twitter)

Nhận định về vị trí độc đáo của thể thao trong xã hội Australia, nhà văn du lịch nổi tiếng người Mỹ Bill Bryson từng viết: “Thực sự, chưa bao giờ có một quốc gia thể thao nào hơn thế… trong một cộng đồng năng động, tích cực như vậy, dường như ai cũng là khán giả của một môn nào đó”.

Thể thao ngày nay là một công cụ ngoại giao ít rủi ro, chi phí thấp và phổ biến trong bối cảnh địa chính trị ngày càng chia rẽ. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Saudi Arabia, Pháp hay Nga đang đầu tư mạnh mẽ vào ngoại giao thể thao. Để không bị tụt lại, Australia bắt đầu tăng tốc, làm mới mình để tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng thông qua thể thao.

“Đội Australia” xuất kích

Ngày 2/6, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố cập nhật chiến lược ngoại giao thể thao, thành lập Nhóm Tư vấn ngoại giao thể thao mới do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) điều phối và tổ chức hội nghị thường niên thảo luận về việc mang thế giới thể thao và ngoại giao lại gần nhau.

Trong thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cho biết nước này đang tìm cách sử dụng tiềm năng thể thao để tăng cường sức mạnh quốc gia trên “cuộc đua” quốc tế.

“Thể thao là một trong những thế mạnh của Australia. Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đang sử dụng tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia để tăng cường ảnh hưởng của Australia trong một thế giới cạnh tranh hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng Penny Wong nhấn mạnh.

Theo đó, các tổ chức thể thao quốc gia và các cơ quan cấp cao nhất trong lĩnh vực thể thao ngồi vào bàn thảo luận, phản ánh vai trò trung tâm của các cơ quan này trong việc thúc đẩy lợi ích của Australia thông qua thể thao.

Nhiệm vụ của Nhóm Tư vấn ngoại giao thể thao mới là cân nhắc các cơ hội và rủi ro về mặt chiến lược và kinh tế trong thể thao quốc tế, bao gồm các sự kiện sắp tới ở Australia và nước ngoài, cũng như cách thức mà các chính phủ và ngành thể thao có thể hợp tác cùng nhau để thúc đẩy các ưu tiên chung. Nhóm này sẽ tổ chức hội nghị hàng năm với quy mô lớn để tham khảo ý kiến một cách rộng rãi.

Nói cách khác, “đội Australia” đã lên kế hoạch thi đấu ngoại giao thể thao mới với đội hình lớn hơn và thay đổi chiến thuật thường niên.

Việc cải tổ ngoại giao thể thao của Australia được xem như bước “làm nóng” nhằm mục đích tận dụng lợi thế của việc đăng cai Olympic và Paralympic 2032 tại Brisbane.

Bộ trưởng Thể thao Australia Anika Wells tuyên bố cạnh tranh ngoại giao trên sân thể thao quốc tế mang lại nhiều lợi ích.

“Đăng cai Olympic và Paralympic Brisbane năm 2032, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Điều này mang đến cơ hội chưa từng có để giới thiệu về sự xuất sắc và chuyên môn của Australia trong đổi mới, du lịch, dịch vụ và sản phẩm”, bà Anika Wells nói.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành giải quần vợt Australia mở rộng Craig Tiley nhận định, với chiến lược mới này, sức mạnh thể thao đã vượt qua biên giới. Ông Craig Tiley khẳng định: “Bằng cách khai thác sức mạnh đoàn kết của thể thao, chúng ta có thể xây dựng những cầu nối và thúc đẩy thiện chí giữa các cộng đồng đa dạng trên thế giới”.

Không bỏ lỡ cơ hội

Thông báo về chiến lược ngoại giao thể thao mới này được đưa ra vài tuần trước khi Thế vận hội (Olympic) Paris khởi tranh vào ngày 26/7 và không lâu sau khi Giải bóng bầu dục quốc gia (NRL) của Australia thi đấu vòng mở màn tại Las Vegas (Mỹ). Thông báo được cho là đưa ra kịp thời trong bối cảnh “các đội” khác trên thế giới đang ngày càng gia tăng ngoại giao thể thao.

Điển hình là Trung Quốc đã chi 74 triệu AUD tài trợ xây dựng một sân vận động mới ở Quần đảo Solomon để phục vụ Thế vận hội Thái Bình Dương năm 2023 và cũng mời các vận động viên Thái Bình Dương đến tập luyện tại nước này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc săn lùng các “nhà ngoại giao mặc đồ thể thao” cấp cao để đóng góp cho thành tích nước nhà. Có thể kể đến trường hợp của vận động viên trượt tuyết xuất sắc người Mỹ gốc Hoa Eileen Gu vốn sinh ra và lớn lên ở California (Mỹ) nhưng đã chọn nhập tịch để đại diện cho Trung Quốc tại Olympic mùa Đông Bắc Kinh năm 2022.

Trong khi đó, Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia (PIF) đã bỏ ra không ít tiền để thâu tóm các CLB, đội bóng lớn, từ mua CLB Newcastle ở Ngoại hạng Anh, thúc đẩy sáp nhập LIV Golf/PGA Tour cho đến việc mua lại cổ phần của MMA, một giải đấu võ tổng hợp lớn của Mỹ.

Hồi tháng Hai tại Geneva (Thụy Sỹ), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR) đã tổ chức chương trình cấp bằng điều hành về ngoại giao thể thao cho những cán bộ chuyên trách đến từ Bộ Thể thao và Ủy ban Olympic và Paralympic của Saudi Arabia.

Trong bối cảnh đó, không có lý do gì để Australia phí hoài năng lực thể thao khi xứ sở chuột túi có rất nhiều lợi thế so sánh với các đối thủ.

Bên cạnh nhiều danh hiệu, cúp vô địch lớn nhỏ, Australia còn sở hữu cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, chuyên môn và nhân lực thể thao đẳng cấp thế giới. Người Australia nổi tiếng coi trọng tính liêm chính, công bằng và bình đẳng trong thể thao.

Ngoại giao thể thao, khi được triển khai tốt, có thể phá bỏ các khuôn mẫu, vượt qua sự bất hòa và đưa mọi người đến gần nhau hơn thông qua niềm đam mê chung về các hoạt động thể chất. Bên lề trận đấu, những cuộc gặp giữa các nhà quản lý thể thao, quan chức chính phủ và doanh nhân có thể tạo ra các mối quan hệ không chính thức, bổ sung cho các sáng kiến ngoại giao.

Cách tiếp cận mới của chính phủ ông Albanese đối với ngoại giao thể thao mang đến cơ hội lớn cho Australia trong việc nâng cao ngoại giao công chúng, xây dựng mối quan hệ và khuếch đại thông điệp, văn hóa và giá trị quốc gia.

Nhà văn Bill Bryson đã nhận định đúng, với dân số tương đối nhỏ, hiếm thấy quốc gia nào chơi thể thao tốt hoặc “nghiện” thể thao như Australia. Các trò chơi thể thao và các hoạt động thể chất đóng một vai trò to lớn trong văn hóa, xã hội và bản sắc của Australia. Những điều này xứng đáng được đặt lên hàng đầu và trung tâm trong chính sách ngoại giao của quốc gia Nam Thái Bình Dương này.

(theo The Conversation)

Nhã Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-the-thao-kieu-uc-274880.html