Ngôi đình thờ danh tướng dẹp giặc Chiêm Thành

Đình Tỉnh Cách, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) thờ thành hoàng Vũ Đôi, người có công giúp vua Lý Thần Tông đánh giặc Chiêm Thành (thế kỷ XII).

 Mặt trước đình Tỉnh Cách

Mặt trước đình Tỉnh Cách

Đình Tỉnh Cách tọa lạc tại trung tâm thôn với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Ngoài đình, khuôn viên di tích còn có một ngôi chùa thờ Phật tạo thành một quần thể di tích và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đình thờ Thành hoàng Vũ Đôi, húy là Uy, có công giúp vua Lý Thần Tông đánh giặc Chiêm Thành (thế kỷ XII), được tặng phong “Uy linh đại vương thượng đẳng thần”.

Thần tích lưu truyền

Theo ngọc phả, năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại 13 (1938) và sự tích lưu truyền tại địa phương, vào thời Lý, làng Tỉnh Cách xưa có tên gọi là trang Vĩnh Lại có nhà họ Vũ 5 đời giàu có, chồng là An, vợ là Phùng Thị Tranh. Vào ngày 25 tháng giêng năm Giáp Tý, bà Phùng Thị Tranh bỗng nhiên nằm mộng thấy một ông lão đầu đội mũ hoa quan, lưng thắt đai ngọc, râu bạc trắng, miệng cười tỏa ra ánh sáng hào quang, tay trái cầm một đóa sen, nói rằng: “Ta thừa theo mệnh trời, mượn bào thai sinh ra người giúp nước dẹp yên giặc”, rồi hướng về phía Phùng thị giao cho đóa sen. Một thời gian sau, Phùng thị có mang, đến ngày 10 tháng 2 năm Ất Sửu, sinh được một người con trai, đặt tên là Đôi, húy là Uy. Khi trưởng thành, Uy công thi trúng khoa Thái học được đến chầu quan trong nội đình. Vào triều vua Lý Nhân Tông, giặc Chiêm Thành sang xâm chiếm, vua nhiều lần sai binh tướng đi đánh nhưng đều thất bại nên rất lo lắng, bèn triệu tập đình thần bàn mưu kế. Uy công liền xin nhà vua cho cầm binh đi dẹp giặc, vua đồng ý và phong làm thống đốc đại tướng quân, giao thống lĩnh 5 vạn quân cùng 30 tùy tướng. Uy công chia quân làm ba đạo, đánh tan quân giặc. Tin vui báo về, nhà vua hết sức vui mừng, lệnh khải hoàn thiết yến tiệc trong triều. Uy công được thăng thêm 3 cấp, bổ làm Tư Hồng châu kiêm quản hai lộ Thượng hạ. Sau khi đánh thắng giặc, Uy công thường đến những nơi mình đã từng qua. Ngày 10 tháng 10, ông đến trang Vĩnh Lại, thấy đây là khu đất cao, tụ khí liền lập hành cung và ban cho nhân dân bản trang 3.000 quan tiền, mua 30 mẫu ruộng để hương hỏa phụng thờ ông về sau. Đến đêm ngày 12 tháng 12, Uy công thấy có người mặc quần xanh, cầm cờ vàng xưng là thiên xứ quỳ trước sân, Uy công thấy người mệt mỏi, rồi tự nhiên hóa (mất). Nhân dân liền hành biểu tâu lên triều đình. Vua vô cùng thương xót, sai đình thần đến hành lễ, ban tiền cho nhân dân cùng 35 mẫu ruộng làm nơi hương hỏa, lập miếu phụng thờ, đồng thời khen phong mỹ tự: “Kim Đối Chí Thánh”.

Do có nhiều công lao với nước, với dân, Vũ Đôi được các triều vua ban tặng sắc phong vào các năm: Cảnh Hưng 44 (1783), Tự Đức 6 (1853), Khải Định 9 (1924) và được nhân dân địa phương tôn làm thành hoàng.

Sắc phong ngày 26 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1784) phong cho Thành hoàng Vũ Đôi

Sắc phong ngày 26 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1784) phong cho Thành hoàng Vũ Đôi

Nhân dân phụng thờ

Văn bia tại di tích ghi nhận, đình Tỉnh Cách khởi dựng từ trước năm Cảnh Hưng 44 (1783). Năm tháng qua đi, mưa gió hủy hoại, ngôi đình bị xuống cấp hư hại nhiều. Vào năm Tự Đức 4 (1851), bản thôn hội họp, đóng góp tu sửa lại đình vũ cho khang trang, mới mẻ. Đến năm Duy Tân 6 (1912), ngôi đình tiếp tục được trùng tu...

Các cụ cao tuổi cho biết, đình Tỉnh Cách xưa rất khang trang, to đẹp, cột đình to, bộ mái thấp và rộng, trong đình có nhiều bức chạm khắc rồng, phượng tinh xảo. Vào năm 1951, thực dân Pháp đã chiếm đình làm nơi đóng quân và chặt tre vây quanh làng, đàn áp phong trào cách mạng của địa phương. Năm 1968, đình là nơi chứa vật tư, lân đạm, dụng cụ nông nghiệp của hợp tác xã Cẩm Đông. Đến năm 1973, 5 gian đại bái đình bị hạ giải để lấy nguyên liệu làm trường học, công trình chỉ còn lại 3 gian hậu cung làm nơi thờ tự.

Năm 2014, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, tòa đại bái được khôi phục lại trên nền cũ và tôn tạo tòa hậu cung như hiện nay. Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Tòa đại bái xây đao dĩ. Trung tâm bờ nóc là hình mặt trời với nhiều đao lửa bao quanh, chầu vào mặt trời là đôi rồng trong tư thế uốn khúc hình sóng nước. Tòa hậu cung kết cấu vì kèo kiểu chồng rường, chất liệu bằng bê tông cốt thép, các mảng họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật phỏng theo kiến trúc truyền thống thời Nguyễn.

Hiện trong đình còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, 3 tấm bia đá, 2 bát hương, 2 ngai thờ và nhiều đồ tế tự cổ khác có giá trị. Ngày 8.1.2021, đình Tỉnh Cách cùng với chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Lễ hội truyền thống làng Tỉnh Cách được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm. Theo bút tích lưu truyền lại, khi xưa trong một năm làng tổ chức 3 kỳ tế lễ, trong đó kỳ tế lễ vào tháng 2 âm lịch là kéo dài và trọng thể nhất, dân làng đóng góp tiền theo suất đinh để sắm sửa lễ vật dâng cúng thành hoàng, sau đó tổ chức rước từ đình đi xung quanh làng qua các xóm. Đoàn rước đi qua xóm nào, xóm đó phải có một bàn lễ (xôi, thịt, rượu, hoa quả...) ở đầu xóm, bên cạnh cắm một cờ đỏ trên đề hai chữ Cung nghênh để đón thành hoàng và cầu may mắn cho xóm mình năm đó.

Ngày nay, do không có điều kiện, cứ 5 năm một lần, làng lại tổ chức lễ trọng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội.

ĐẶNG THU THƠM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-dinh-tho-danh-tuong-dep-giac-chiem-thanh-164163