Ngôi đình thờ Đức Đại Vương cùng 2 phu nhân giúp vua Lê đánh giặc

Đình Cổ Pháp (xã Cộng Hòa, Nam Sách) thờ 3 vị Thành hoàng là Đức Đại Vương (hiệu Li Bạch) cùng 2 phu nhân là Ôn Hậu và Phương Dung có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh thế kỷ XV.

Mặt chính đình Cổ Pháp

Mặt chính đình Cổ Pháp

Theo sự tích lưu truyền tại địa phương, Đức Đại Vương quê ở Danh Lam đất Ngũ Lĩnh, thuộc tỉnh Nghệ. Cha ngài là Lê Danh Quế, mẹ là Vũ Thị Trình vốn là người tu nhân tích đức. Ngày 5.5 năm Giáp Tý, bà Vũ Thị nằm mộng thấy sáng đỏ rực rỡ đầy nhà và có con bạch hoa xà nằm uốn khúc. Bà còn thấy một cành hoa sen trắng nở, bèn giơ tay cầm lấy ngửi rồi thụ thai. Đến ngày 12.2 năm Ất Sửu, bà sinh một đứa trẻ mặt mũi khôi khô tuấn tú và đặt tên húy là Bạch, lớn lên văn võ toàn tài, chí lớn tung hoành.

Thời bấy giờ quân nhà Minh sang xâm lược nước ta, Đức Đại Vương xin được theo vua Lê Thái Tổ đưa quân đi đánh giặc, đóng đồn ở Lạc Thủy, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Một hôm có một vị tiên ông hiện lên báo mộng với ngài rằng nay mai Đại Vương gặp 2 người con gái cùng giúp nước bình giặc mới xong.

Đến ngày 11.12 năm ấy, Đức Đại Vương đưa quân đến khoảng giữa đường huyện Chí Linh bỗng gặp hai người con gái nhan sắc tuyệt trần, người chị là Ôn Hậu, người em là Phương Dung. Hai người tự xưng là vợ Đức Đại Vương đội lệnh Ngọc Hoàng giáng sinh xuống trần cùng giúp nước bình giặc. Ngài vô cùng cảm mến, rước hai nàng về đồn làm tiệc khao quân sĩ, tự đặt là đệ nhất phu nhân và đệ nhị phu nhân. Sau này ba vợ chồng ngài cùng đánh giặc ở đất Yên Mang (gọi là Nga Lạc Bầu). Quân giặc phải thua chạy.

Ngày 4.5 năm sau, tướng nhà Minh là Lý Bông trốn chạy sang Ai Lao. Nhà Minh sai Liễu Thăng, Mộc Thạch, Lương Minh, Thôi Tụ, Hoàng Phúc, Nguyễn Đức, Viên Do và người Quảng Tây sang đánh phá lũ quan. Đức Li Bạch cùng 2 phu nhân đánh giặc Liễu Thăng ở đảo Mã Pha, giết được hơn 1 vạn quân, Mộc Thạch chạy, Vương Thông ra xin hòa. Sau đó đất nước được thái bình. Đến ngày 12.8, trời bỗng u ám, nước sông cuồn cuộn, sấm sét ầm ầm, Đức Li Bạch và 2 phu nhân tự dưng biến mất.

Vua Lê Thái Tổ lấy làm thương xót, lập tức cử triều thần tặng phong cho ngài là Thượng Đẳng Thần, sắc phong 3 đạo cho Đức Đại Vương và 2 phu nhân là Thành hoàng làng, cho 10 quan tiền để lập miếu thờ phụng. Sau đời vua Lê Thái Tổ, Đức Đại Vương cùng 2 vị phu nhân cũng được các đời vua sau ban sắc phong.

Tương truyền trong nhân dân, đình Cổ Pháp được khởi dựng từ khá sớm trên nền đất cao ráo, thoáng rộng theo hướng Tây. Đình đã trải qua nhiều lần tu sửa. Thời Nguyễn, đình được nâng cấp khang trang, to đẹp với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung bằng gỗ tứ thiết. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đình bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2006, nhân dân xây dựng lại đình gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung để thờ các vị Thành hoàng. Năm 2019, bằng tắm lòng công đức của con em quê hương, ngôi đình được nâng cấp, tu sửa khang trang như hiện nay.

Hiện nay, đình Cổ Pháp có kiến trúc kiểu chữ công gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ, móng tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, các góc mái đình có đắp đầu đao hình rồng, bờ nóc đắp nổi đề án lưỡng long trầu nguyệt.

Lễ hội đình Cổ Pháp được tổ chức hằng năm vào 2 ngày 11 và 12. 2 (âm lịch), ngày 12 là trọng hội kỷ niệm ngày sinh Đức Đại Vương Li Bạch. Trong lễ hội có rước kiệu ngai các vị Thành hoàng, tế lễ Thành hoàng. Ngoài ra trong lễ hội còn có hát quan họ trên thuyền, trò bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, cầu thùm, đập niêu... thu hút đông đảo người dân tham gia, không khí lễ hội vui tươi, rộn ràng.

THẬP NHẤT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-dinh-tho-duc-dai-vuong-cung-2-phu-nhan-giup-vua-le-danh-giac-151248