Ngóng đợi mùa về
Không phải tôi yêu mùa đông, mà bởi mong muốn thiên nhiên sẽ ôn hòa trong vòng quay tứ mùa, để mọi hoạt động được trở về với những chốn bình yên.
Nói có lẽ không yêu mùa đông, bởi cứ nghĩ đến những ngày trời mây u ám, cái lạnh như cứa rát thịt da, tay chân lạnh cóng, lại cả những ngày nhiệt độ giảm xuống đến dưới 0 độ C, băng tuyết phủ trắng các sườn núi, cây cối, hoa màu, gia súc bị thiệt hại... là tôi lại rùng mình, cảm giác như mình đang xuôi ngược giữa mùa đông giá lạnh.
Năm nay, mùa đông đến muộn. Mọi năm, tầm này trời đã lạnh lắm, gió rét đã thổi ào khắp lối, sương mờ phủ kín các nhánh đường... Bạn tôi bảo, may quá, lập đông rồi mà tiết trời cứ như mùa thu ấy. Thời tiết cứ như này cũng được, kéo dài đến hết tháng 1, tháng 2 sang năm rồi sang xuân càng tốt...
Không phải tôi không yêu thích tiết trời ôn hòa của mùa thu. Nhưng tôi đâm ra lo lắng, hoang mang trước sự đổi thay của thời tiết, đất trời khi không còn nữa tứ thì “xuân, hạ, thu, đông” như vốn có trên mảnh đất này. Ranh giới giữa các mùa mờ dần, những biểu hiện của mùa giờ cũng không rõ nét, lộn xộn, khó lường. Ai cũng biết, đó là do biến đổi của khí hậu, là hậu quả của việc thiên nhiên bị tàn phá...
Mẹ tôi rất thích trồng rau. Nhà lúc nào cũng có một vườn rau, mẹ bảo để “tự túc sau sạch” và để thỏa niềm đam mê trồng trọt. Tôi nhớ ngày chị em tôi còn bé, mỗi khi đến dịp khai giảng năm học mới, khi những cơn mưa cuối mùa hạ thưa vắng dần, mẹ bắt đầu trồng các loại rau vụ đông như xà lách, su hào, bắp cải, cà chua... và thu hoạch 2 - 3 tháng sau đó. Cứ sáng sáng, mẹ lại giao chị em tôi bắt sâu xanh cho vườn. Mẹ được tay trồng rau, nên cây nào cũng lớn nhanh như thổi, tốt tươi. Cải bắp xòe to như chiếc nón, củ su hào to như cái bát con, cà chua thì sai lúc lỉu...
Hôm qua, cuối tuần, tôi tranh thủ lên thăm mẹ. Trong bao câu chuyện của thường ngày, thi thoảng mẹ lại chép miệng: Thời tiết năm nay “độc” thật đấy. “Độc” bởi mùa không ra mùa, ngày nắng, ngày mưa, ngày nóng, ngày mát đan xen, khiến người già, trẻ nhỏ dễ bị đau, ốm; “độc” bởi cũng chính tiết trời giao mùa kéo dài, khiến cho nhiều hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người bị ảnh hưởng, không chủ động.
Tôi ra thăm vườn rau của mẹ. Nghĩ sẽ gặp lại hình ảnh những chiếc nón, cái bát năm nào vì mấy tuần trước rau đã xanh um. Nhưng thật buồn vì vườn rau trơ trụi. Mẹ lấy chiếc xẻng nhỏ xới đất quanh các gốc cây con mà xót xa: Vào mùa đông mà chẳng có lấy một ngày mù để cây được ngậm sương mát mẻ, cứ nắng hanh hanh, thành ra cây còi cọc, vàng vọt dần. Mấy hôm nay, trời lại còn mưa đêm ngày đến “thối đất”, rau bị úng nước, thối rễ...
Nhìn vườn rau của mẹ chưa đầy 100 m2 xác xơ, tôi chợt nhớ đến những vựa rau của tỉnh, giờ cũng đang “lao đao” với những biểu hiện cực đoan của thời tiết. Những diện tích trồng trong nhà kính không bị ảnh hưởng nhiều, chứ những diện tích trồng ngoài trời đều bị úng nước, khiến cây chậm phát triển. Nỗi lo đâu đã hết, khi mưa ngừng rơi, một loạt sâu bệnh hại cây, đất bị rửa trôi, phèn chua sẽ xuất hiện, sau đó khiến nông dân càng thêm vất vả. Trên các trang mạng, hội nhóm trồng rau, ai cũng than trời, trách đất, bởi rau vụ đông năm nay khó trồng hơn mọi năm.
Thời gian này, bệnh trên người cũng gia tăng, đặc biệt là những bệnh về xương khớp ở người già, bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Các nhà y tế giải thích, do bệnh nhân đã từng bị nhiễm Covid-19, nên sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm các loại bệnh thông thường. Thêm vào đó, những biến đổi bất thường của thời tiết cũng khiến người có sức khỏe yếu như trẻ nhỏ và người già dễ bị nhiễm bệnh hơn...
Giờ đã là giữa trưa, mặt trời đứng bóng, ánh nắng khá gay gắt, kèm theo đó là những cơn gió khô khốc. Tôi bỗng thèm cái lạnh của mùa đông; thèm những làn sương mù ẩm ướt khiến ánh đèn phố thị mờ đục trong mỗi đêm muộn; thèm được khoác chiếc áo bông dày sụ để biết lạnh giá đến nhường nào... Không phải tôi yêu mùa đông, mà bởi mong muốn thiên nhiên sẽ ôn hòa trong vòng quay tứ mùa, để mọi hoạt động được trở về với những chốn bình yên.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362833-ngong-doi-mua-ve