Ngược biên xứ Thanh nghe chuyện tình Mường Xia lay động lòng người
Lễ hội Mường Xia huyện Quan Sơn, Thanh Hóa mỗi dịp đầu xuân lại thu hút cả nghàn du khách xa gần quây tụ.
Ngoài việc được tham ra lễ hội với những đặc sắc mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh bản địa thì ở đó, sự mong chờ đặc biệt của những đôi trai gái tuổi cập kê chính là được nghe câu chuyện tình lay động của nàng Lá Nọi và chàng Lá Li – một biểu tượng về khát vọng yêu đương, khát vọng tự do, chống lại lễ giáo hà khắc vùng cao xứ Thanh.
Lễ hội Mường Xia, được tổ chức vào ngày 15/3 (tức ngày 10/2 âm lịch) hàng năm, thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con các dân tộc vùng cao biên giới Việt - Lào cùng du khách thập phương về trẩy hội cầu may, cầu phúc, cầu duyên...
Theo bà con bản Mường, lễ hội Mường Xia ngoài việc để mọi người nhớ, nghe về câu chuyện tình của chàng Lá Li và nàng Lá Nọi trên đất Mường Xia để nhắc con cháu hãy biết chân tình, yêu thương nhau thì Lễ hội còn là dịp nhân dân nơi đây tưởng nhớ, tri ân Tư Mã Hai Đào - người có công trấn ải biên cương, khai phá xây dựng nên những bản làng đông vui, trù phú, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Mở đầu lễ hội Mường Xia, các thầy mo sẽ cùng với thanh niên trai tráng trong bản rước hòn "đá vía" về đền thờ chính. Tiếp đó, là sự tái hiện lại những năm tháng mà Tướng quân Tư mã Hai Đào cùng nhân dân dẹp giặc nơi biên cương, khởi nguồn cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi đất Mường Chu Sàn. Trong lễ hội, bắt buộc phải có 22 mâm lễ cúng, trong đó gồm có 13 mâm cỗ mặn, 2 mâm vải cuộn, vòng tay và 7 mâm hoa quả, các mâm cỗ này sẽ được các nam thanh nữ tú rước về đền chính, sau đó các " Mo Mường" bắt đầu vào lễ cúng, xin phép tổ tiên, thần núi, thần sông cho phép con cháu được khai hội Mường Xia.
Đối với đồng bào Thái nơi Mường Xia xưa, cồng chiêng là thứ âm sắc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Hòa với giai điệu của cồng chiêng, các chàng trai cô gái háo hức tham gia vào các trò chơi như: Ném còn, khua luống, kéo co, đẩy gậy… Bên cạnh những hoạt động vui nhộn đó thì không khó để chúng tôi nhìn thấy những tụm năm, tụm bảy của các đôi uyên ương nơi các cụ gia cao niên, già làng. Họ lặng nghe về giai thoại của nàng Lá Nọi và chàng Lá Li rồi những câu chuyện tình khác của bản vùng Mường Xia.
Chuyện kể rằng, Lá Nọi là con gái út của Tạo Mường Mìn giàu sang. Nọi đẹp như đóa hoa rừng, bao chàng trai trong bản đắm say, nhưng nàng mang lòng yêu chàng Lá Li ở Chu Sàn - Mường Xia khỏe mạnh, khèn hay, khặp giỏi. Dù là con cháu họ của nhà quan (Tạo) Đạo Mường Xia, nhưng gia cảnh của Lá Li lại nghèo túng, khốn khó. Lá Nọi không chê gia cảnh mà vẫn yêu thương chàng. Đôi trai tài, gái sắc yêu thương nhau như đôi chim Nộc Thu của núi rừng.
Thủa mặn nồng, Lá Nọi và Lá Li thường hẹn nhau dưới chân núi Pha Dùa có tiếng chim líu lo, bên ánh trăng ngà, suối rì rào chảy… Qua bao buổi chiều tà, mùa nếp nương thơm nức họ vẫn bên nhau say đắm. Tình yêu, sự chân thành của Lá Li dành cho Lá Nọi được trời cao chứng giám, nhưng ngặt nỗi, Tạo Mường Mìn kiên quyết không gả Lá Nọi cho chàng trai Mường Xia nghèo khó, tìm mọi cách chia lìa tình yêu của họ.
Bị ngăn cấm nhưng Lá Nọi và Lá Li vẫn yêu nhau. Họ cùng nhau thề độc: "Chúng ta cùng cắt ngón út ăn thề, cùng cắn ngón nhẫn bắc máng uống máu ăn thề. Ta về Mường Trời nên tình đôi bạn, ta về Thiên đình nên vợ, chồng bền lâu. Ta nhờ trời đất bắc thang sắt, thang đồng của thiên đình xuống đón. Cùng chết bên nhau, ta hòa vào núi - ta sống giữa mây mù - ta về đỉnh Pha Dùa cùng nhau làm thần trai gái. Để trên đỉnh Pha Dùa ta cùng nhau nhìn xuống phía dưới kia là Mường Mìn quê em, còn phía bên trên là Mường Xia quê hương anh yêu thương, tình nghĩa".
Thời gian trôi đi, Tạo Mường Mìn kiên quyết bắt hai người xa nhau bằng việc làm phép ép gả con gái cho nhà giàu sang, ông cấm ngặt con gái đêm không được xuống thang, đêm không được dệt vải. Vào đúng ngày ông Tạo Mường Mìn gả ép, họ đã viết giấy dấu vào vạt áo rồi cùng nhau cắn ngón cái làm đôi, cắt lìa ngón út uống máu ăn thề với ước nguyện: "Cùng chết bên nhau, cho hồn lìa khỏi xác, để chúng mình được ở bên nhau. Cùng chết bên nhau để được biến vào núi Pha Dùa, sống bên làn mây trắng, bước lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường".
Vào ngày đôi trai tài, gái sắc lìa xa cõi trần thế, dân hai Mường bỗng thấy mây trắng vờn mây hồng bay cuồn cuộn ngang đỉnh Pha Dùa xen lẫn lời ca mượt mà, da diết. Nghe tiếng ca hát yêu đời tha thiết, hòa quyện nhau trên đỉnh mây mờ, tiếng Khặp từ văng vẳng xa xăm đến vi vu qua lại hang Dùa. Người dân trong Mường nói với nhau rằng, đó là tiếng thầm thì của đôi trai gái yêu nhau. Và từ đó về sau, ai có dịp đi qua Pha Dùa đều nghe trong tiếng gió vi vu của lá rừng nơi khe núi ven sông hòa lẫn vào tiếng nước chảy dưới sông thì thầm không ngớt, như lời tình tự của chàng Lá Li và và Lá Nọi năm xưa…