Người biểu tình ở Mỹ không lùi bước
Vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, sẽ điều động quân đội để 'làm chủ các tuyến đường', các thành phố của Mỹ hôm qua tiếp tục chìm trong biểu tình bạo lực và đập phá.
Ở New York, cửa sổ của những cửa hàng và trung tâm thương mại dọc con phố số 34 bị đập nát. Một chiếc xe lao vào nhóm nhân viên thực thi pháp luật ở TP Buffalo, khiến ít nhất 2 người bị thương.
Biểu tình tiếp tục bùng lên từ Philadelphia, nơi hàng trăm người kéo ra một đại lộ ngay trái tim thành phố. Ở Atlanta, cảnh sát bắn hơi cay để giải tán đám đông. Ở Nashville, hơn 60 lính Vệ binh quốc gia dùng khiên ngăn người biểu tình bao vây trụ sở cơ quan lập pháp để phản đối sau cái chết của George Floyd.
Hãng tin AP dẫn lời Sean Jones, một người đứng xem đám đông cướp phá những cửa hàng đồ hiệu ở khu Soho của Manhattan: “Người ta làm thế để lần sau, trước khi nghĩ đến việc giết một người da đen, họ sẽ nhớ đến cảnh này và không muốn tái diễn nữa”. Bất ổn ở Minneapolis dịu lại sau khi anh trai của Floyd không ngớt lời khẩn cầu hòa bình từ nơi mà em trai ông bị cảnh sát còng tay và chẹn cổ đến khi không thể thở được nữa.
Đã có thêm những người chết vì biểu tình bạo lực, trong đó có 2 người chết ở ngoại ô Chicago. Cảnh sát trưởng Louisville bị sa thải sau khi chủ một nhà hàng được nhiều người yêu thích thiệt mạng trong trong cuộc biểu tình sáng 1/6. Một sĩ quan bị bắn gần sòng bạc Circus Circus ở Las Vegas, nơi cảnh sát bắt 338 người sau 3 đêm bạo lực.
Phát biểu từ Nhà Trắng sau 2 ngày vắng mặt, ông Trump dọa sẽ điều “hàng ngàn và hàng ngàn” binh lính tới kiểm soát các con đường. Sau đó ông đi bộ qua công viên Lafayette đến địa điểm cầu nguyện được coi là “Nhà thờ của các tổng thống”, nơi cũng bị người biểu tình làm hư hỏng.
Ông Trump tự gọi mình là tổng thống đề cao pháp luật và trật tự. Nhưng việc cảnh sát bắn hơi cay giải tán những người biểu tình hòa bình để tổng thống đi bộ từ Nhà Trắng đến nhà thờ gần đó chụp ảnh cùng Kinh Thánh bị nhiều người chỉ trích, trong đó có Thống đốc New York Andrew Cuomo và giám mục Mariann Edgar Budde.
Việc ông Trump điều quân đến các bang của Mỹ sẽ đánh dấu sự can thiệp gây kinh ngạc của chính quyền liên bang, một diễn biến hiếm khi xảy ra trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Tuyên bố của ông Trump gợi nhớ đến sự kiện năm 1968, năm Richard Nixon chạy đua tranh cử với ngọn cờ đề cao pháp luật và trật tự khi nước Mỹ vừa trải qua những cuộc bạo động khắp cả nước vì vụ sát hại biểu tượng đấu tranh cho dân quyền Martin Luther King Jr.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nguoi-bieu-tinh-o-my-khong-lui-buoc-1667427.tpo